Nói về lợi ích để tạo động lực

“Cách đây nhiều năm, quãng đường 12km từ Quốc lộ 32 vào đến trung tâm xã Nậm Mười phải đi bộ mất cả buổi, nhiều khi mưa lũ phải ở lại vài ngày mới có thể về được”, đồng chí Trịnh Xuân Thành, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn vui vẻ trò chuyện với chúng tôi.

Giờ đi từ Quốc lộ 32 đến trung tâm xã Nậm Mười chỉ còn khoảng vài chục phút. Tuyến đường được đưa vào sử dụng giữa năm 2022, bắt đầu từ Quốc lộ 32 đến trung tâm xã Nậm Mười và xã Sùng Đô, có tổng chiều dài hơn 20km, được thiết kế theo quy mô cấp V miền núi, với tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng. Đồng chí Trịnh Xuân Thành vui vẻ nói: "Theo chủ trương “Đảng mở đường, dân mở lòng hiến đất”, qua nắm bắt tình hình, huyện được biết, đảng ủy, chính quyền 3 xã đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng với giá 0 đồng. Theo đó, có 379 hộ hiến hơn 20ha đất; trong đó, người dân xã Sùng Đô hiến 10ha, xã Nậm Mười hiến 8ha, xã Sơn Lương hiến 2ha...

8 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Nậm Mười, đúng lúc đồng chí Đặng Phúc Chiêu, Chủ tịch UBND xã cũng vừa đến nơi. Rửa vội đôi chân dính đầy bùn đất, anh Chiêu giãi bày: "Mong các anh thông cảm, tôi vừa ở thôn Liên Sưu bàn giao mặt bằng để thi công cầu bê tông thay thế cây cầu treo đã cũ". Vậy là, để bàn giao đúng tiến độ, từ khi trời còn mờ mịt sương, anh Chiêu đã có mặt để khảo sát mặt bằng bàn giao và đến các hộ gia đình có liên quan nắm bắt tình hình tư tưởng. Cây cầu này có vị trí rất quan trọng, sẽ giúp thông thương đi lại cho 3 thôn Liên Sưu, Làng Cò, Nậm Biếu với tổng số hơn 300 hộ dân. Khi chúng tôi hỏi về những kết quả và kinh nghiệm vận động quần chúng trong giải phóng mặt bằng, anh Chiêu phấn khởi: "Trước mỗi chủ trương làm đường, xây cầu, Đảng ủy, chính quyền xã và đảng viên các chi bộ trong xã đã đến từng hộ gia đình để tuyên truyền về lợi ích khi có đường, có cầu".

Theo đó, những người trực tiếp bị ảnh hưởng thì động viên họ tự nguyện di dời tài sản và vật chất, hoa màu, hiến đất giải phóng mặt bằng; còn những hộ dân khác đều được hưởng lợi thì chung tay, đóng góp vật chất để cùng cấp ủy, chính quyền hỗ trợ phần nào thiệt hại cho các hộ bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống. Ví như khi mở tuyến đường từ Quốc lộ 32 vào trung tâm xã Nậm Mười, gia đình ông Bàn Ton Liều, ở thôn Háo Pành, xã Nậm Mười thuộc diện đặc biệt khó khăn; ông và em trai cùng sinh sống có 3.000m2 đất ruộng canh tác để nuôi 7 người. Khi được tuyên truyền, cả gia đình ông Bàn Ton Liều rất đồng thuận mở đường. Nhưng sau đó, ông chợt nhận ra đó là toàn bộ sinh kế của gia đình nên rất lo lắng về cuộc sống sau này... Trước tình hình trên, Chi bộ thôn Háo Pành đã động viên ông và tham mưu với Đảng ủy, UBND xã Nậm Mười vận động người dân đóng góp hỗ trợ gia đình ông Bàn Ton Liều kinh phí mua diện tích đất đồi, thuê máy xúc, hỗ trợ nhân công đào hơn 2.000mđất ruộng mới ở thôn Nậm Mười, xã Nậm Mười để gia đình ông canh tác.

Lãnh đạo xã Nậm Lành (Văn Chấn, Yên Bái) thăm hỏi, tặng quà vợ chồng ông Bàn Phúc Vạn và bà Lý Thị Ngình là hộ gia đình neo đơn đặc biệt khó khăn của xã. 

Để giúp cơ sở, Huyện ủy, UBND huyện Văn Chấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trong huyện phải thường xuyên về với nhân dân. Ví như: Thực hiện tốt phong trào “Ngày nghỉ về với dân”, theo đó, trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật, các đồng chí lãnh đạo huyện, xã phải dành ít nhất một ngày về với thôn, bản, cùng tham gia lao động, trao đổi, nắm tình hình trong nhân dân. Chính vì thế, qua những lần trao đổi thông tin với lãnh đạo huyện và các xã của huyện Văn Chấn, chúng tôi thấy điểm chung là: Các đồng chí đều nắm chắc tình hình trên địa bàn, thuộc từng tên hộ dân còn khó khăn, gia đình tiêu biểu, từng số liệu quan trọng trong năm...

Theo đồng chí Phạm Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Đại Lịch (huyện Văn Chấn): Ban Thường vụ Đảng ủy xã luôn phân công trách nhiệm cho cấp ủy viên phụ trách địa bàn nắm những ưu điểm, hạn chế còn tồn tại của các chi bộ cơ sở để kịp thời uốn nắn, giải quyết khó khăn, vướng mắc... góp phần giúp Đại Lịch hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế, xã hội. Từ xã nông thôn mới (năm 2016), dự kiến cuối tháng 12 năm nay, Đại Lịch sẽ đạt nông thôn mới nâng cao.

Còn ở xã Nậm Lành, xã vùng cao đặc biệt khó khăn của Văn Chấn, từ đầu năm 2020 đến nay, thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, chi bộ các thôn, bản trong xã đã lãnh đạo các tổ chức vận động nhân dân tham gia đóng góp tiền và nhân công hoàn thiện 9,5km đường bê tông, xi măng, với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng; khởi công công trình nước sạch tại thôn Tặc Tè; triển khai 4km hệ thống đường điện “Thắp sáng đường quê” tại các thôn: Tà Lành, Giàng Cài, Nậm Kịp, Tặc Tè, Tộc Cài...

Làm để dân tin

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Việt, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Chấn, khẳng định: Muốn dân tin Đảng thì từng đảng viên phải làm cho người dân tin tưởng để “chung bước” trên con đường đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Nói thì ngắn gọn, nhưng để xây dựng được niềm tin trong nhân dân thì là cả một quá trình vượt ghềnh, thác của các đảng viên nơi thôn, bản. Cũng do những hủ tục, tập quán canh tác đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống thường ngày, cộng thêm cái đói, cái nghèo... nên đồng bào rất dễ bị tổn thương và mang tâm lý e dè, sợ đổi mới. Đưa chúng tôi đi thăm những đồi chè Shan Tuyết (giâm cành từ chè Shan Tuyết Suối Giàng) xanh mướt mát, đồng chí Phạm Bá Dư, Bí thư Đảng ủy xã Gia Hội (huyện Văn Chấn), phấn khởi: "Ở Gia Hội có nhiều gia đình giàu lên từ chè, no ấm nhờ chè. Từ việc canh tác nhỏ lẻ chỉ vài héc-ta (năm 2022), đến nay diện tích trồng chè Shan Tuyết của xã đã lên tới 400ha, mỗi năm cho sản lượng khoảng 4.000 tấn".

Giờ hiệu quả là vậy, nhưng quá trình từ năm 2002, đưa cây chè về làm cây chủ lực trong phát triển kinh tế của Gia Hội là một hành trình vượt sóng gió. Bởi đồng bào cho rằng, trồng cây lương thực như ngô, sắn... còn có cái ăn, chuyển sang trồng chè lấy lá, nếu thiếu đói thì sao mà ăn lá chè trừ bữa? Dân không thuận, chủ trương bị tắc nghẽn. Cán bộ, đảng viên trong xã ăn không ngon, ngủ không yên vì cây chè. Cá biệt như ở thôn Nam Vai, đồng chí Lò Văn Dú (lúc đó là Trưởng thôn) không chịu được áp lực từ xã và nhân dân nên đã viết đơn xin từ chức. Trước tình hình trên, Đảng ủy xã đã họp và tập trung mọi nguồn lực, hỗ trợ vận động các chi bộ làm điểm triển khai thực hiện, trong đó, giao nhiệm vụ cho cấp ủy, đảng viên phải đi đầu thực hiện để làm gương. Ở Chi bộ thôn Minh Nội, đồng chí Bí thư Chi bộ Lò Văn Thọ đã cùng với một số đảng viên mạnh dạn vận động gia đình chuyển đổi sang mô hình trồng chè... dưới con mắt e dè của người dân. Sau 3 năm, chè cho thu hoạch. Thấy các chuyến xe thu mua, chở chè nối đuôi nhau về thôn, các hộ dân bắt đầu tin và viết đơn xin được chi bộ cùng các cấp chính quyền hỗ trợ cho gia đình chuyển đổi kinh tế.

Việc nêu gương của đảng viên đã khích lệ, động viên tinh thần đổi mới và phát triển ý thức vì tập thể cho quần chúng nhân dân trong xây dựng thôn, bản. Đồng chí Triệu Văn Lý, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền (huyện Văn Chấn) chia sẻ: “Mình là đảng viên, trưởng thôn, muốn để dân tin, dân quý thì phải làm nhiều việc tốt cho dân. Nhưng cũng cần phải ghi nhớ, chỉ một lần không tốt thì dân không tin, không quý nữa”. Thực tế ở Vàng Ngần, đồng chí Triệu Văn Lý luôn làm tốt vai trò dẫn dắt, tập hợp quần chúng áp dụng những mô hình kinh tế hiệu quả, tham gia sức người, sức của xây dựng thôn. Vàng Ngần làm tốt công tác giảm nghèo (bình quân mỗi năm giảm hộ nghèo, cận nghèo từ 15% đến 20%); thôn không có người nghiện ma túy, không mắc các tệ nạn xã hội; an ninh trong thôn bảo đảm tốt.

Ở thôn Làng Cò, xã Nậm Mười, các đồng chí: Đặng Hữu Chu, Bí thư chi bộ; Đặng Kim Hín, Phó bí thư chi bộ luôn đi đầu trong thực hiện các phong trào cách mạng ở địa phương. Như, năm 2021, đồng chí Đặng Hữu Chu đã hiến 2.000m2 đất, còn đồng chí Đặng Kim Hín hiến 3.000m2 đất để mở đầu cho phong trào hiến đất làm đường giao thông tuyến Sơn Lương-Nậm Mười. Hưởng lợi từ việc mở đường, đảng viên và nhân dân trong thôn rất vui mừng, đồng thuận cao. Năm 2022, nhân dân trong thôn đã hiến 51.200m2 đất; năm 2023, 10 hộ đã hủy bỏ hơn 1.000 cây quế cho công tác giải phóng mặt bằng... Đường giao thông thuận tiện, đời sống nhân dân được nâng cao, Làng Cò trở thành điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: MINH THẮNG - THÀNH HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan