Thực hiện Dự án 5 (Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, đến nay, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ khoảng 173 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho 18 trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, mua sắm trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh. Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục-đào tạo vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Đắk Lắk thời gian qua đã từng bước phát triển, đạt được những kết quả tích cực.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Cư M’gar có hơn 150 học sinh thuộc nhiều dân tộc anh em. Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài việc học tập trên lớp, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi khoa học-kỹ thuật, khởi nghiệp cấp huyện, cấp tỉnh, cùng các hoạt động bổ ích khác. Qua đó, giúp các em phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong học tập, phát triển kỹ năng mềm. Năm học 2023-2024, nhà trường có hai sản phẩm khoa học đoạt giải nhất và giải nhì cấp huyện. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ như các trường THCS khác, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Cư M’gar còn chú trọng giáo dục đặc thù, đi sâu vào nội dung bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS. Nhà trường đã thành lập câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc và truyền dạy chơi các loại nhạc cụ cho học sinh. Hằng tuần, nhà trường tổ chức hoạt động sinh hoạt ngoại khóa giới thiệu về phong tục, tập quán các dân tộc, giúp học sinh nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc mình.
 |
Cô và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Cư M’gar xem bộ truyện tranh song ngữ (tiếng Việt-tiếng Ê Đê) về văn hóa dân tộc Ê Đê do học sinh nhà trường sáng tác. |
Là một trong những trường chuyên biệt dành cho học sinh DTTS của tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng (TP Buôn Ma Thuột) đã thực hiện hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ ăn, ở, đi lại cho học sinh DTTS. Năm học 2024-2025, nhà trường có 18 lớp học với 554 học sinh của 21 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, nhờ đó chất lượng giáo dục được nâng lên qua từng năm. Năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của trường đạt 100%, nhiều môn thi tốt nghiệp có điểm số đứng thứ hạng cao trong tốp 5, tốp 10 của tỉnh; nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, không ít học sinh của trường còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của ngành giáo dục và đạt những kết quả tích cực.
Thầy giáo Bùi Xuân Lễ, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng chia sẻ: “Xác định nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, nhà trường đẩy mạnh cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập, đồng thời chú trọng tìm giải pháp hiệu quả cho giáo dục chuyên biệt đối với trường dân tộc nội trú, đó là tăng cường giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh. Mục tiêu của nhà trường là thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, phấn đấu tỷ lệ học sinh có học lực, hạnh kiểm tốt của năm học sau luôn đạt và vượt so với năm học trước. Đối với học sinh khối 12, giữ vững tỷ lệ tốt nghiệp 100%...”.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 1.013 trường học từ mầm non đến THPT, trong đó có 15 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS cấp huyện, 2 trường phổ thông dân tộc nội trú THPT cấp tỉnh và 6 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp huyện. Các trường này đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong công tác giáo dục-đào tạo đối với con em đồng bào DTTS, góp phần tạo nguồn cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Tường Hiệp, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Việc thực hiện các chính sách đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục dân tộc mà tỉnh Đắk Lắk triển khai trong thời gian qua đã giúp thành tích, kết quả học tập của học sinh, sinh viên người DTTS trên địa bàn tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Điều này khẳng định chất lượng giáo dục ở vùng DTTS đã và đang phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, tạo tiền đề để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, vùng miền...”.
Bài và ảnh: LÊ HOÀNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.