Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, việc thực hiện đề án giai đoạn từ năm 2018 đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trước hết, hoạt động thông tin tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS được các cấp, ngành, địa phương chú trọng thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt, mang lại hiệu quả thiết thực.

Phụ nữ dân tộc Dao đỏ trong trang phục truyền thống. Ảnh: NGÔ CHÍ THÀNH. 

Ủy ban Dân tộc đã tổ chức biên soạn, phát hành hơn 20.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về bình đẳng giới bằng nhiều thứ tiếng dân tộc và 1.500 cuốn sổ tay công tác bình đẳng giới; các địa phương trên cả nước cũng đã in ấn, phát hành đến tận tay cán bộ, đồng bào các DTTS với số lượng gần 1,5 triệu sản phẩm gồm tờ rơi, tờ gấp, tranh cổ động, sổ tay tuyên truyền...

Bên cạnh đó, đã có hơn 1.800 mô hình, mô hình điểm về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới ở cả cấp Trung ương và địa phương được xây dựng, hoạt động hiệu quả. Hoạt động tư vấn pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào DTTS cũng được triển khai tích cực với hơn 3.500 cuộc cho gần 96.000 lượt người...

Nhờ đó, nhìn chung, vị thế của phụ nữ người DTTS trong các lĩnh vực đời sống xã hội được nâng lên, điển hình như tỷ lệ phụ nữ người DTTS tham gia cấp ủy, chính quyền, hội đồng nhân dân, Quốc hội... có xu hướng tăng; tỷ trọng việc làm của lao động nữ DTTS trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp giảm từ 83,8% xuống 76,4% và tăng lên trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; tỷ lệ phụ nữ DTTS biết đọc, biết viết tiếng phổ thông cũng tăng dần qua mỗi năm...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS thời gian qua cũng còn một số khó khăn, bất cập, như: Công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương chưa được sâu rộng, hiệu quả; định kiến về giới, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân, thậm chí nhiều cán bộ cũng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của bình đẳng giới; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết còn diễn ra nhiều ở một số địa phương...

Theo đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, việc thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS cần gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội của vùng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bởi khi kinh tế phát triển, trình độ dân trí được nâng lên thì nhận thức, ý thức của đồng bào về bình đẳng giới sẽ được cải thiện.

Bên cạnh đó, để công tác bình đẳng giới được thực hiện hiệu quả, rất cần sự quan tâm của người đứng đầu, sự phối hợp tích cực giữa các cấp, ngành, địa phương, đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và bình đẳng giới; xây dựng, nhân rộng những mô hình hay, điển hình tiên tiến trong thực hiện bình đẳng giới.

PHƯƠNG HIỀN