Đặc biệt, trên cơ sở kế thừa Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020, ngày 3-3-2021, Chính phủ đã có Nghị quyết số 28/NQ-CP ban hành Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu tổng quát nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại trong một bộ phận gia đình và dân cư. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), do vẫn tồn tại một số tập tục lạc hậu nên địa vị, vai trò của người phụ nữ chưa thực sự được quan tâm và phát huy; vẫn còn một bộ phận phụ nữ nghèo, bị lạm dụng, bạo lực.
Đăk Tô (Kon Tum) là huyện miền núi với hơn 50% dân số là đồng bào DTTS. Những năm qua, huyện luôn là một trong những địa phương dành nhiều sự quan tâm cho công tác BĐG. Xác định để làm tốt công tác BĐG cần chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là công tác tuyên truyền, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Tô đã tích cực tuyên truyền Luật BĐG và các văn bản hướng dẫn thi hành đến 100% cán bộ, hội viên phụ nữ; tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; chiến lược quốc gia về BĐG... Đồng thời, hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình...
Ngoài ra, một số chính sách đặc thù cho vùng DTTS như: Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025; Đề án Hỗ trợ hoạt động BĐG vùng DTTS giai đoạn 2018-2025... cũng được triển khai có hiệu quả tại địa phương. Nhờ đó, công tác BĐG đã có nhiều chuyển biến tích cực, như: Tỷ lệ phụ nữ trúng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 cấp huyện đạt 35,5%, cấp xã đạt 34% tổng số đại biểu; tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy: Cấp huyện đạt 17,9%, cấp xã đạt 30,3%; tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật trong năm 2020 đạt 46,7%; khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm đã được thu hẹp; phụ nữ DTTS được tăng cường tiếp cận với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. 100% phụ nữ có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng ưu đãi chính thức của Nhà nước...
Thời gian tới, Hội LHPN huyện Đăk Tô bám sát kế hoạch, chương trình của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện Đăk Tô để cụ thể hóa, triển khai hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, tiếp tục chủ động thực hiện các chủ trương, biện pháp về BĐG, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS.
NGUYỄN THỊ NHƯ HÀ (Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum)