Đại tá Dương Quốc Long, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Điện Biên cho biết: “Quán triệt, vận dụng đúng các quan điểm, nguyên tắc của Đảng về công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) và bám sát chức năng, nhiệm vụ, những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã làm tốt công tác rà soát tổng thể, quy hoạch, đánh giá đúng chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS. Trong quy hoạch lâu dài, chúng tôi chủ động tham mưu cho cơ quan cấp trên có kế hoạch bồi dưỡng nguồn cán bộ kế cận là người DTTS đáp ứng nhu cầu sử dụng của các đơn vị trong LLVT tỉnh”.
    |
 |
Trung tá Mùa A Phong, Chính trị viên phó Ban CHQS TP Điện Biên Phủ (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận với cán bộ trong đơn vị. |
Trong số những cán bộ tiêu biểu là người DTTS thuộc Bộ CHQS tỉnh Điện Biên không thể không nhắc đến Đại tá Thào A Của (dân tộc Mông), Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh. Là cán bộ trưởng thành từ cấp cơ sở, dù ở bất kỳ cương vị nào, anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, khẳng định được vai trò và uy tín của mình, nhất là đối với đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.
Đại tá Thào A Của chia sẻ: “Tôi có 14 năm công tác tại Ban CHQS huyện Mường Nhé, trong đó 4 năm (2009-2013) được cấp trên tăng cường giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Nậm Vì. Đây là xã có 90% đồng bào người dân tộc Mông. Quá trình làm việc ở cơ sở, tôi luôn xác định phải nắm chắc đặc điểm, tình hình mọi mặt của địa phương, từ đó có những ý kiến thiết thực, xây dựng nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội với chỉ tiêu, giải pháp cụ thể; vận động nhân dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...”.
Với sự đóng góp tích cực của Đại tá Thào A Của, xã Nậm Vì đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Trung tá Mùa A Phong (dân tộc Mông), Chính trị viên phó Ban CHQS TP Điện Biên Phủ cũng đã có 5 năm (2014-2019) trực tiếp tham gia thực hiện đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh ở huyện Mường Nhé. Trên cương vị tổ trưởng tổ vận động tuyên truyền và tham gia tổ vận chuyển, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp nhân dân ổn định tư tưởng, tháo dỡ, vận chuyển nhà cửa, đồ đạc cho bà con đến nơi ở mới, được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều cán bộ người DTTS thuộc Bộ CHQS tỉnh Điện Biên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, dù đảm nhiệm cương vị, chức trách nào, thực hiện nhiệm vụ ở những địa bàn khó khăn, phức tạp nhưng đội ngũ cán bộ người DTTS đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, nhiệt thành với công việc. Hiện nay, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên có 33% cán bộ các cấp là người DTTS. 100% cán bộ người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp, trong đó trên 85% có trình độ đại học trở lên. Việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hằng năm được thực hiện tốt, chú trọng tăng tỷ lệ thanh niên là người DTTS, từ đó tạo nguồn để đào tạo, bồi dưỡng phục vụ lâu dài trong Quân đội và tạo nguồn cán bộ cho các địa phương. Đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp là người DTTS cũng được Bộ CHQS tỉnh bố trí, sử dụng phù hợp.
Theo đánh giá của Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, bên cạnh phần lớn cán bộ phát huy tốt năng lực, sở trường thì vẫn còn một số ít cán bộ người DTTS, nhất là cán bộ trẻ còn hạn chế về năng lực, phương pháp, tác phong công tác nên kết quả hoàn thành nhiệm vụ chưa cao. Có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần là do cán bộ còn e dè, cả nể, thiếu tự tin, đôi lúc chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm để chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Từ thực tế đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên xác định, thời gian tới sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình cán bộ, chiến sĩ là người DTTS, tăng cường công tác bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện, đề cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo và ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ. Cùng với đó là thực hiện tốt các chế độ, chính sách, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần... nhằm động viên cán bộ người DTTS tự giác, tích cực học tập, công tác, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Bài và ảnh: PHAN HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc tôn giáo xem các tin, bài liên quan.