Hơn 4 tháng nay, gia đình ông Thạch Dũ ở ấp Prey Chóp, xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu) ở trong căn nhà mới được xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình 1719. Sự hỗ trợ này không chỉ giúp gia đình ông an cư mà còn là động lực để vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Ông Thạch Dũ chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có được căn nhà mới như hôm nay. Trước đây, nhà cửa xuống cấp nên đến mùa mưa bão, gia đình tôi rất lo lắng. Nhờ được chính quyền địa phương xét duyệt hỗ trợ 44 triệu đồng cùng với số tiền 30 triệu đồng dành dụm được mà gia đình tôi mới có thể xây nhà khang trang hơn. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ vốn xây dựng chuồng trại, tặng dê giống để phát triển kinh tế gia đình. Tôi sẽ cố gắng chăm chỉ lao động để có cuộc sống tốt hơn”.

leftcenterrightdel

 Người dân ấp Xung Thum A, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu làm đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình 1719. Ảnh: LAN ANH

Không chỉ hỗ trợ đồng bào về nhà ở, thị xã Vĩnh Châu còn tập trung thực hiện Dự án 3 (phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị), theo đó, Vĩnh Châu đang triển khai 15 mô hình nuôi heo, dê, bò, cua, tôm cho 352 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng mức vốn được phân bổ là hơn 4,1 tỷ đồng. Như gia đình anh Sơn Thọl ở ấp Nô Thum, xã Vĩnh Tân là một trong những hộ được hỗ trợ theo mô hình nuôi dê, anh Thọl cho biết: “Tháng 11-2022, gia đình tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ hai con dê giống theo Chương trình 1719 và được cán bộ nông nghiệp thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên dê phát triển khá tốt. Hiện nay, đàn dê nhà tôi đã có 6 con, tôi dự định sẽ tiếp tục tăng đàn nhiều hơn rồi mới bán”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Trí Vân, Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Để phát huy ý nghĩa của Chương trình 1719, thị xã Vĩnh Châu xác định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo cơ hội cho hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo, nhất là đối với đồng bào DTTS. Cùng với đó, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy đời sống vùng đồng bào DTTS ở Vĩnh Châu không ngừng đổi thay và có những bước phát triển mới. Chính sự phát triển này đã khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đời sống đồng bào. Đây cũng là động lực giúp bà con thi đua, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tạo thêm công trình, phần việc có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng quê hương.

LAN ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc tôn giáo xem các tin, bài liên quan.