Trước đây, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nà Bủng ở xã Nà Bủng gặp nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, trong khi trường lại có số lượng học sinh bán trú khá lớn. Nhà trường phải dẫn nước từ khe cách đó khoảng 2km về sử dụng.

Không những vậy, các thầy cô nhiều khi phải trực đến tối để kiểm tra đầu ống, tránh trường hợp người lấy trước người lấy sau, rồi người lấy sau lại ngắt vòi nước của trường ra thì ngày hôm sau nhà trường lại không có nước.

leftcenterrightdel

Khoan giếng trong chương trình “Nước cho em” tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. 

Cũng tương tự, thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ ở xã Phìn Hồ từng phải lấy nguồn nước sinh hoạt ở mó từ trên đồi chảy xuống. Tuy nhiên, nguồn nước này còn đáp ứng nhu cầu sản xuất cho bà con địa phương nên vào mùa khô, lượng nước khá hạn chế. Do vậy, để tiết kiệm nguồn nước sạch và tạo thói quen, nền nếp sinh hoạt cho các em học sinh, nhà trường quy định thời gian sử dụng nước, phân công người trực hằng ngày để bơm nước sáng, chiều đầy các téc giúp giáo viên và học sinh yên tâm không bị thiếu nước ngày hôm sau.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, toàn huyện đang có 43 trường học các cấp với gần 22.000 học sinh, bao gồm trên 13.000 học sinh nội trú, bán trú, ăn ở, sinh hoạt tại trường. Đặc biệt, nguồn kinh phí để đầu tư cho dự án nước sạch phục vụ sinh hoạt, ăn, ở của các em học sinh vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu. Bên cạnh việc sử dụng nguồn nước tại các giếng khoan, giếng đào hiện có thì đa số các trường đều phải tận dụng những nguồn nước trong tự nhiên như ở các khe, suối… Tuy nhiên, những nguồn nước này không ổn định dẫn đến tình trạng thiếu nước diễn ra thường xuyên, liên tục, nhất là các trường có vị trí trên núi cao, nhất là vào mùa khô, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, chất lượng học tập.

leftcenterrightdel
Các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chà Cang sử dụng nước sạch nhờ chương trình “Nước cho em”.

Theo đồng chí Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, đến năm học này, rất nhiều trường học ở huyện sẽ không phải lo về nước sinh hoạt.

Theo đó, nhằm giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các trường học, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đã phát động chương trình “Nước cho em” để huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng 36 giếng khoan và bổ sung 116 téc nước, 51.900m dây dẫn nước. Chương trình này là một phần của dự án "Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt" nằm trong Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Đến nay, với sự chung tay góp sức của các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, tổ chức, cá nhân, huyện đã tiếp nhận hơn 530 triệu đồng và hiện vật trị giá khoảng trên 180 triệu đồng. Số tiền quyên góp, ủng hộ được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch, ưu tiên cho các trường khan hiếm về nguồn nước. Tính tới ngày 31-10, toàn huyện đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 26 giếng khoan tại các trường như: PTDTBT Tiểu học Si Pa Phìn, PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ, PTDTBT THCS Phìn Hồ, PTDTBT Tiểu học Chà Cang, PTDTBT Tiểu học Chà Tở, Mầm non xã Phìn Hồ, Mầm non xã Nậm Chua...

leftcenterrightdel
Chương trình “Nước cho em” đang góp phần chủ động nguồn nước sạch cho học sinh và giáo viên huyện Nậm Pồ. 

Với mục tiêu 100% học sinh các trường có đủ nước sinh hoạt đảm bảo an toàn, vệ sinh, thời gian tới Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ sẽ phối hợp với ngành liên quan tiến hành khảo sát, duy tu, bảo dưỡng hệ thống nước sạch cho các trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ các công trình nước sạch trường học tại địa phương.

Được thành lập từ năm 2013 trên cơ sở sáp nhập 10 xã thuộc huyện Mường Nhé và 5 xã của huyện Mường Chà, Nậm Pồ là huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Dân số chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông, Thái, Dao, Khơ Mú, Kháng, Cống... Mặt khác, địa bàn thuộc huyện quản lý đều nằm gần ở khu vực biên giới, địa hình chia cắt nên tình hình phát triển kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

Bài và ảnh: VÂN HIỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.