Tuy nhiên, trước năm 1999, tỉnh Kon Tum chỉ còn 265 nhà rông trong tổng số 625 làng đồng bào DTTS. Trước thực trạng này và nhận thức đúng vị trí, vai trò quan trọng của nhà rông, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Chỉ thị số 21/1999/CT-UB ngày 25-11-1999 về “Duy trì và khôi phục nhà rông truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh” (Chỉ thị 21).  

 Ảnh minh họa: TTXVN.

Quá trình thực hiện Chỉ thị 21 đã huy động được các nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để bảo tồn, sửa chữa, xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa nhà rông của đồng bào DTTS.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2021, từ nguồn ngân sách nhà nước, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh Kon Tum đã xây dựng mới 176 nhà, sửa chữa 86 nhà rông. Hiện nay, toàn tỉnh Kon Tum có 462/503 làng đồng bào DTTS tại chỗ có nhà rông.

Trong đó 408/462 làng đang duy trì sử dụng, hoạt động hiệu quả nhà rông. Già làng A Ghinh ở thôn Kram, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy vẫn rưng rưng xúc động khi chúng tôi nhắc đến nhà rông của cộng đồng người Hà Lăng (thuộc dân tộc Xơ Đăng) trên địa bàn được bộ đội giúp sửa chữa, hiện nay đang sử dụng tốt. Năm 2016, Công ty TNHH MTV 732 (Binh đoàn 15) hỗ trợ 170 triệu đồng và huy động người dân đóng góp ngày công để tu sửa nhà rông cho đồng bào.

“Nhà rông là chốn thiêng liêng đặc biệt đối với từng cá nhân và cộng đồng người Hà Lăng chúng tôi. Khi nhà rông xuống cấp, hư hỏng, không sử dụng được ai cũng buồn nhưng vì bà con còn đói cơm, nhạt muối nên việc sửa chữa cứ trì hoãn mãi. Nhờ có bộ đội Binh đoàn 15 người Hà Lăng mới có nhà rông đẹp, uy nghi như vậy”, già làng A Ghinh cho biết.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác khôi phục nhà rông truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Đặc biệt, một số địa phương không giữ được kiến trúc nhà rông truyền thống; bản sắc văn hóa truyền thống của nhà rông cũng bị mai một và còn nhiều làng đồng bào DTTS chưa có nhà rông...

Để phát huy những kết quả đạt được sau 22 năm thực hiện Chỉ thị 21 và khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng xây dựng Đề án “Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa các nhà rông truyền thống tại thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, đề án đặt mục tiêu đến năm 2022, 100% thôn đồng bào DTTS có nhà rông phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại địa phương; từ năm 2023 đến năm 2025 tập trung rà soát đề xuất bổ sung, duy tu, sửa chữa, nâng cấp nhà rông xuống cấp... 

NGUYỄN ANH SƠN