Thực hiện Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch), huyện Thuận Châu luôn chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc La Ha. 

leftcenterrightdel

Không gian văn hóa của đồng bào dân tộc La Ha ở xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. 

Đồng chí Đinh Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: “Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào La Ha, huyện Thuận Châu đã tổ chức các lớp truyền khẩu dạy tiếng dân tộc La Ha, hỗ trợ thiết bị nhà văn hóa, tổ chức các lễ hội nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc La Ha. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc La Ha mà còn đóng góp vào kho tàng bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương”.

Một trong những lễ hội truyền thống của đồng bào La Ha là Lễ Pang A được tổ chức vào tháng 3, 4 hằng năm. Tại Lễ Pang A không thể thiếu cây xặng bók được dựng ở giữa nhà (gồm cây tre, chuối và cây mía buộc vào nhau). Trên xặng bók được trang trí dải hoa vải, hình các con vật, quả còn, hoa ban, hoa mạ, kiếm, khiên, cày, bừa làm bằng gỗ... Trong phần lễ, thầy mo mời các vị tổ tiên, thần linh về hưởng lộc, phù hộ cho dân tộc La Ha luôn khỏe mạnh, ít ốm đau. Tiếp đến, bà con bắt đầu múa Tăng bu, đánh trống, tung khăn múa xung quanh cây xặng bók hết sức sôi nổi, rộn ràng. Kết thúc buổi lễ là nghi thức tiễn hồn tổ tiên lên trời, hạ cây xặng bók, xin lộc, liên hoan uống rượu cần, chúc phúc vui vẻ.

Chúng tôi đến xã Liệp Tè đúng dịp khánh thành công trình nhà văn hóa cộng đồng cho dân tộc La Ha tại bản Hiên. Công trình được thiết kế hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa dân tộc La Ha với tổng kinh phí xây dựng hơn 1 tỷ đồng. Đồng chí Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Liệp Tè cho biết: “Việc đưa nhà văn hóa cộng đồng vào hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo không gian sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương. Hiện nay, xã Liệp Tè đã thành lập 1 câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc La Ha, duy trì hoạt động 7 đội văn nghệ để sưu tầm, phục dựng các điệu múa, lễ hội của đồng bào La Ha”.

Mặc dù huyện Thuận Châu đã có nhiều nỗ lực gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc La Ha nhưng do tác động bởi cuộc sống hiện đại nên một số lễ hội truyền thống, các bài dân ca, dân vũ đang đứng trước sự mai một. Do vậy, thời gian tới, huyện Thuận Châu sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ, chú trọng khôi phục những lễ hội văn hóa và duy trì hoạt động của đội văn nghệ ở các bản; mở những lớp truyền khẩu tiếng dân tộc La Ha, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.

Bài và ảnh: PHAN THẢO

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.