Trong không gian trụ đá tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, biểu tượng của tinh thần đoàn kết 54 dân tộc Việt Nam anh em, nhà thiết kế Minh Hạnh, Giám đốc sáng tạo của Việt Mốt (Vietmode) lần lượt giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập áo dài và sưu tập thời trang 4 mùa xuân-hạ-thu-đông với gam màu chủ đạo lấy cảm hứng từ thổ cẩm Tây Nguyên. Ngoài ra, tại chương trình còn giới thiệu bộ sưu tập thời trang với sắc tím dành riêng cho thành phố sương mù.

Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Pleiku có đặc điểm rất đáng yêu, đó là có 4 mùa và thêm một màu tím thật lãng mạn không nơi nào có, bởi vì đây là thành phố sương mù. Tôi tạm gọi đó là màu tím sương lam. Đó không phải là màu tím Huế, mà là màu tím khác. Tôi đã nhìn ngắm Pleiku vào buổi sáng sớm hay lúc hoàng hôn, điều này cho tôi cảm xúc để tái hiện màu tím lãng mạn ấy cùng với bộ sưu tập 4 mùa dành tặng vùng đất này”.

Nét văn hóa thổ cẩm của đồng bào dân tộc Tây Nguyên được thể hiện sáng tạo trên nền nghệ thuật thời trang đương đại qua bàn tay của nhà thiết kế Minh Hạnh. 

Bộ sưu tập thời trang của nhà thiết kế Minh Hạnh đã mang đến một sắc thái mới cho thổ cẩm trong thời trang hiện đại. Tinh hoa của nghề truyền thống Tây Nguyên được thể hiện tinh tế, đầy cảm hứng trong từng tà áo dài hay bay bổng trong các trang phục thời trang 4 mùa. Sân khấu huyền ảo của đêm trình diễn càng tạo sự cộng hưởng để thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số được thăng hoa, tỏa sáng rực rỡ.

Với không gian đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, khán giả được đắm mình vào phần trình diễn thời trang thổ cẩm bao gồm các bộ sưu tập thổ cẩm do các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng hàng đầu Việt Nam lần lượt được trình diễn. Nội dung các bộ sưu tập thể hiện đậm nét những giá trị trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, kết hợp với màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc mang âm hưởng vùng đất đỏ bazan đầy nắng và gió.

Những “gái trai quê tôi, da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” hay những nghệ nhân Bahnar, Jrai trở thành chủ thể chính được tôn vinh trên sân khấu thời trang. Tuy vẫn còn chút choáng ngợp trước ánh đèn sân khấu và quy mô của chương trình nghệ thuật thời trang quy mô lớn, nhưng đây là niềm vui khi di sản văn hóa và những đóng góp của đội ngũ nghệ nhân Tây Nguyên được tôn vinh.

Nữ nghệ nhân Rơ Châm Phieo (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) mang lên sân khấu bộ khung dệt đã gắn bó nhiều đời trong gia đình. Đó cũng là di sản bà kế thừa từ người mẹ và gìn giữ suốt mấy chục năm qua. Bà Rơ Châm Phieo chia sẻ: “Mình lên sân khấu ngồi dệt vải như vẫn làm ở làng, nhưng đông khán giả đến xem nên mình thấy rất vui. Trang phục thổ cẩm được người mẫu trình diễn rất đẹp mắt”.

Trong khi các nghệ nhân Bahnar, Jrai khiến nhiều người bất ngờ khi đưa thổ cẩm vào các thiết kế thời trang hiện đại mang tính ứng dụng cao với giá chỉ từ vài chục ngàn đồng tới vài trăm ngàn đồng trên sân khấu, thì nhiều người dân và du khách cũng có cơ hội tìm hiểu, so sánh sự độc đáo, khác biệt trong hoa văn, chất liệu, công đoạn dệt khác nhau của thổ cẩm Jrai, Bahnar.

Có mặt tại chương trình, chị Nguyễn Thúy Vân (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Thực sự hôm nay khi tham gia chương trình, mình rất tự hào về bản sắc văn hóa thổ cẩm dân tộc Tây Nguyên được mọi người trên đất nước Việt Nam và trên toàn thế giới biết được. Mình mong rằng sẽ có nhiều sự kiện tương tự sẽ được tổ chức và diễn ra ở thành phố Pleiku”.

Thông qua các chương trình nghệ thuật biểu diễn hiện đại như "Gia Lai ơi", văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên sẽ được lan tỏa để gìn gữ. 

Đây cũng chính là mục tiêu của Chương trình “Gia Lai ơi” trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống. Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Sự kiện này không chỉ là một sự kiện trình diễn về thời trang, mà qua đó chúng tôi mong muốn giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc riêng có của tỉnh Gia Lai. Chúng tôi mong muốn tôn vinh các nghệ nhân, những người đã có công bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa này. Chúng tôi cũng muốn quảng bá, có những sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là trong du lịch, để nâng cao đời sống cho bà con, nhất là bà con dân tộc thiểu số vùng Gia Lai”.

Theo lời Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, “Gia Lai ơi” cũng là chương trình duy trì các hoạt động đã cam kết của tỉnh Gia Lai với UNESCO về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, trang phục, hoa văn thổ cẩm là một trong những giá trị cốt lõi cần bảo tồn, gìn giữ.

Bài, ảnh: TUẤN SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.