Đặc biệt, triển khai Dự án 6 (Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, các cấp chính quyền ở huyện Hớn Quản đẩy mạnh khôi phục các hoạt động tại lễ hội phá bàu, nhằm gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng.
 |
Người dân tham gia hoạt động phá bàu, bắt cá tại lễ hội phá bàu ở xã An Khương (Hớn Quản, Bình Phước).
|
Theo quan niệm của người S’Tiêng, bàu là nơi linh thiêng, việc phá bàu là để mở cửa cho thần linh ban phúc lành cho người dân. Vì vậy, tại lễ hội phá bàu, sau nghi thức cúng thần linh của già làng, người dân sẽ cùng nhau xuống phá bàu. Khi bàu đã được phá, tất cả mọi người sẽ cùng nhau vào bắt cá.
Trong quá trình bắt cá, ai bắt được con cá to trước, họ sẽ dâng cho già làng để thể hiện sự tôn kính và cảm ơn công lao những người lớn tuổi. Còn lại các con cá khác sẽ được chế biến thành những món ăn dân dã để mọi người cùng thưởng thức. Ngoài hoạt động chính là bắt cá, tại lễ hội phá bàu, người dân còn được hòa mình vào các giai điệu cồng chiêng, uống rượu cần, thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào S’tiêng và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí như bịt mắt bắt vịt, cướp cờ, đập heo đất..., tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong không gian lễ hội.
Thầy Hồ Đình Hiệp, giáo viên Trường THCS Tân Hưng, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản cho biết: “Tôi cũng không biết lễ hội phá bàu có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ khi còn nhỏ đã có lễ hội này. Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng mỗi khi lễ hội được tổ chức, đồng bào từ khắp nơi đều đến tham gia, người bắt cá, người vui chơi, người ăn uống... rất vui. Chính vì vậy, năm nào gia đình tôi cũng cố gắng đến tham dự lễ hội phá bàu”.
Theo đồng chí Dương Kim Đương, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Khương, lễ hội phá bàu là một lễ hội quan trọng của đồng bào dân tộc S’tiêng ở xã An Khương. Để giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn, hằng năm, xã An Khương đều tổ chức các lễ hội như: Lễ mừng lúa mới, lễ phá bàu... Qua đó thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm vùng đất giàu truyền thống cách mạng và hiểu hơn về văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Bài và ảnh: DUY HIẾN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.