Toàn tỉnh có 67 xã thuộc khu vực III; 7 xã khu vực II; 34 xã khu vực I và 648 thôn đặc biệt khó khăn. Trong năm 2021, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác dân tộc được chú trọng triển khai thực hiện, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân các dân tộc tiếp tục được cải thiện và có những bước chuyển biến rõ nét.
 |
Hệ thống giao thông tại tỉnh Bắc Kạn từng bước được đầu tư đồng bộ, giúp người dân đi lại, giao thương thuận lợi. |
Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm hơn 2%; toàn tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 21 xã và bình quân mỗi xã đạt hơn 13 tiêu chí, có 2 xã nông thôn mới nâng cao và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (TP Bắc Kạn). Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bắc Kạn cũng đã đầu tư xây dựng 758 lượt công trình hạ tầng tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân; 18.053 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ vật tư, giống cây trồng, vật nuôi, làm chuồng trại...
Thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở địa bàn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, trong năm 2021, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ 23.818 lượt học sinh (mỗi em học sinh được hỗ trợ tiền ăn 596.000 đồng/tháng, hỗ trợ gạo 15kg/tháng, hỗ trợ tiền nhà ở 149.000 đồng/tháng đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường); thực hiện tốt các nội dung hỗ trợ với trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo quy định. Qua đó giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Bên cạnh đó, các chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng luôn được quan tâm thực hiện. Đến nay, tổng số người DTTS đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT là 137.222 người, chiếm hơn 46% số người tham gia BHYT.
Ông Đinh Hồng Kiên, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đánh giá: “Công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện theo kế hoạch đã đem lại hiệu quả thiết thực, cơ sở hạ tầng được cải thiện, bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống của đồng bào các dân tộc, nhất là hệ thống đường giao thông, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế... Các chính sách dân tộc đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS ở các khu vực khó khăn có điều kiện sớm thoát nghèo và ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững”.
Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, triển khai xây dựng các công trình trọng điểm, thiết yếu. Cùng với đó là đẩy mạnh các chính sách phát triển giáo dục, y tế, văn hóa vùng DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh... tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS.
Bài và ảnh: LINH HÀ