Sau khi thu hoạch lúa vụ hè thu, người dân bản Pu Lau lại tất bật lên nương làm đất để trồng thêm dứa. Người đào hố, người đặt chồi, vun gốc, tiếng cười nói, gọi nhau xôn xao cả một góc núi rừng. Gia đình chị Giàng Thị Gênh cũng hòa chung với không khí lao động rộn ràng đó. Từ hơn 1.000m2 ban đầu, sau 3 năm trồng dứa, chị Gênh đã mở rộng dần diện tích lên 1ha.

“Nhờ giá cả và sản lượng ổn định nên dứa là nguồn thu nhập chính của gia đình. Từ đó, tôi dựng được nhà mới, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt, phương tiện đi lại cũng như lo cho các con ăn học đầy đủ”, chị Gênh chia sẻ.

Thương lái thu mua dứa của người dân ở bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: HIẾU TRƯỜNG

Bản Pu Lau cách trung tâm xã Mường Nhà gần 15km, giao thông khá thuận lợi. Khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến tháng 8 hằng năm là vào vụ thu hoạch dứa mật, hình ảnh bà con tấp nập gùi, chở từng sọt dứa nối đuôi nhau từ nương xuống các lán tạm dọc đường lớn để bán cho các tiểu thương đã không còn xa lạ. Dứa Pu Lau là loại dứa mật, có xuất xứ từ Lào, được ưa chuộng bởi hương thơm, vị ngọt và kích cỡ lớn. Trung bình mỗi quả nặng 2-3kg, cá biệt có quả lên tới 5kg. Trước kia, dứa chỉ được trồng nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu gia đình, xen lẫn giữa những nương sắn, ngô, lúa.

Do hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên dứa cho năng suất cao, chất lượng tốt, từ đó được bà con nhân rộng và trồng theo hướng hàng hóa. Từ vài trăm mét vuông trồng dứa ban đầu, đến nay diện tích trồng giống cây này ở bản Pu Lau lên tới gần 60ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 40ha với sản lượng hằng năm đạt gần 200 tấn, mang lại nguồn thu từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/năm.

Vì phát triển theo hướng tự nhiên nên dứa Pu Lau chín thành nhiều đợt chứ không chín đại trà, không tạo sức ép mùa vụ quá lớn như các loại cây trồng khác. Đồng thời, khi trồng dứa, người dân nơi đây cũng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm chất lượng dứa sạch khi đến tay người tiêu dùng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lò Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết: “Bản Pu Lau hiện có 112 hộ dân với 417 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, sinh kế của bà con địa phương chỉ trông chờ vào trồng lúa, sắn, ngô nên đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các hộ bắt đầu tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng kỹ thuật canh tác mới. Diện tích trồng trọt kém hiệu quả dần được thay thế bằng những hàng dứa đều tăm tắp, cho thu nhập cao.

Các triền đồi quanh bản đều được bao phủ bởi dứa, nhà ít thì 500-1.000m2, nhà nhiều thì vài héc-ta. Theo quy hoạch, diện tích trồng dứa sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Cây dứa đang ngày một khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, từng bước giúp hàng chục gia đình ổn định cuộc sống, không còn bị thiếu thốn bủa vây. Chính vì vậy, đến nay, bản Pu Lau chỉ còn 7 hộ nghèo”.

Nhận thấy dứa mật có chất lượng tốt, tạo việc làm cho người dân, đặc biệt cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây khác, cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên xác định đây là cây trồng chủ yếu để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc. Theo đồng chí Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, việc trồng dứa tại bản Pu Lau nói riêng và xã Mường Nhà nói chung ban đầu là tự phát, chưa áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Do đó, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn từ huyện đến xã đã tích cực tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc dứa cho bà con, đồng thời triển khai thực hiện mô hình thâm canh dứa theo hướng hữu cơ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, UBND huyện Điện Biên đang triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu dứa Pu Lau hướng tới trở thành một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương. Tại các hội nghị, dứa Pu Lau cũng được giới thiệu với đại biểu trong và ngoài tỉnh...

Bài và ảnh: HIẾU TRƯỜNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.