Đặc sắc văn hóa Khmer
Một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Khmer chính là các lễ hội. Lễ hội của dân tộc Khmer rất phong phú, bao gồm lễ hội sinh hoạt truyền thống và lễ hội sinh hoạt tôn giáo như: Chol Chnam Thmay, Sene Dolta, lễ nhập hạ, xuất hạ... trong đó phải kể đến lễ hội đua bò truyền thống, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đến theo dõi, cổ vũ tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Ngoài ra, trong dịp Tết Cổ truyền Chol Chnam Thmay còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ và thể dục - thể thao cùng các loại hình nghệ thuật dân gian lưu truyền ở các phum, sóc được tổ chức tại chùa không chỉ phục vụ đông đảo phật tử mà còn thu hút được số lượng lớn du khách đến tham quan, tìm hiểu.
 |
Đua ghe ngo là hoạt động diễn ra trong dịp Tết Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer thu hút đông đảo người dân tham quan.
|
Không chỉ có lễ hội, mà những ngôi chùa với những kiến trúc nghệ thuật đặc sắc cũng là nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan. Đến với các ngôi chùa Khmer, du khách có thể tìm hiểu một số tập tục được gìn giữ bao đời nay như: Lễ dâng cơm, lễ dâng áo cà sa, tục gửi con vào chùa tu học giáo lý Phật pháp, học làm người...
 |
Các bạn nhỏ biểu diễn nhạc ngũ âm trong chùa. |
Ngoài ra, một vài ngôi chùa còn là nơi lưu giữ những bộ kinh lá buông, có giá trị lớn về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tính ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Không chỉ mang nét thẩm mỹ độc đáo, các chùa Khmer còn có dàn nhạc ngũ âm và là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật... Thích thú với những điệu múa uyển chuyển trong bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc, âm thanh rộn ràng của dàn nhạc ngũ âm khi đến tham quan tại chùa Xiêm Cán, du khách Avram (đến từ Anh) chia sẻ: “Thật là tuyệt vời! Tôi ngạc nhiên và thích thú khi mỗi loại nhạc cụ đều có đặc trưng về âm thanh riêng biệt. Nhưng khi cùng hòa hợp thì lại hỗ trợ cho nhau, tạo thành một bản nhạc vô cùng độc đáo”.
Chung tay giữ gìn
Có dịp về các xã như: Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) hay Vĩnh Trạch Đông - nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, không khó nhận ra hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư khá khang trang. Không những góp phần làm bừng sáng diện mạo các xã nông thôn mới, những công trình văn hóa này còn bổ sung các điểm vui chơi - giải trí, xây dựng môi trường sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể thao lành mạnh cho đồng bào Khmer. Ông Thạch Quyết ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Đa số các lễ hội truyền thống, hoạt động sinh hoạt văn hóa của người Khmer đều gắn với ngôi chùa. Tuy nhiên, các thiết chế văn hóa được đầu tư đến tận các ấp cũng có vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, thúc đẩy các phong trào văn hóa - văn nghệ ở cơ sở, trong đó việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư hằng năm là minh chứng. Ngoài chùa Khmer thì đây cũng là một không gian để giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa Khmer”.
 |
Trình diễn nghệ thuật Khmer trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội văn hóa Du lịch hằng năm của tỉnh Bạc Liêu. |
Để bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa như: Nghệ thuật truyền thống, trang phục, ẩm thực, lễ hội… của đồng bào Khmer, trong kỳ họp Hội đồng nhân dân mới đây, tỉnh Bạc Liêu đã thông qua Nghị quyết phân bổ hơn 17 tỷ đồng thực hiện dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Với nguồn lực này, từ nay đến năm 2025, tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các chùa Khmer gồm: Cái Giá Giữa (huyện Vĩnh Lợi); Hòa Bình cũ (huyện Hòa Bình); Chùa Kim Cấu (xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu)... Ngoài ra, để bảo vệ giá trị các di tích Khmer trước sự tàn phá của thời gian, tỉnh Bạc Liêu còn hỗ trợ 850 triệu đồng sửa chữa, tu bổ xuống cấp cho 17 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn.
Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao tại 60 ấp thuộc các xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Thủ tướng Chính phủ công nhận cũng sẽ được hỗ trợ đầu tư. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện hỗ trợ kinh phí hoạt động 20 triệu đồng/năm cho trung tâm văn hóa - thể thao xã, 5 triệu đồng/năm với khu văn hóa - thể thao ấp. Chính vì thế, việc nâng cấp cơ sở vật chất cho thiết chế văn hóa ở địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.
Từ các nội dung được đầu tư có thể thấy, nguồn lực mà tỉnh đưa về các phum sóc để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Khmer mang tính toàn diện, có chiều sâu. Với đồng bào Khmer, sự hỗ trợ này có ý nghĩa to lớn, mang kỳ vọng sẽ giúp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer được gìn giữ bền vững và ngày càng lan tỏa sức sống.
Bài và ảnh: AN HỮU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.