Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng lúa “đang thì con gái” xanh mơn mởn ở xã Cư Elang, huyện Ea Kar, đồng chí Nguyễn Đăng Kai, Phó trưởng phòng Dân tộc huyện Ea Kar cho biết: “Những đồng lúa này hình thành theo Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg ngày 8-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên (Chương trình 132). Có được đồng lúa tươi tốt như hôm nay là thành quả của cả một quá trình từ quy hoạch, hỗ trợ đất đến đầu tư cải tạo đất, hệ thống giao thông, kênh mương điều tiết nước. Cùng với đó là sự chịu thương chịu khó, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao sản lượng của người dân”.

Những cánh đồng xanh mướt tại xã Cư Elang (Ea Kar, Đắk Lắk) được triển khai nhờ Chương trình 132.

Gặp chúng tôi, chị H’Ngăt Bkrông (43 tuổi) ở buôn M’Briu, xã Cư Huê tâm sự: “Sau khi lập gia đình, do không có nương rẫy nên vợ chồng mình phải đi làm thuê làm mướn để trang trải cuộc sống. Từ khi huyện Ea Kar thực hiện Chương trình 132, gia đình mình được hỗ trợ 3,6 sào (tương đương 3.600m2) đất ruộng, mỗi năm vợ chồng mình canh tác hai vụ. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt nên cho năng suất cây trồng tốt, không những bảo đảm lương thực đủ ăn quanh năm mà mình còn có điều kiện phát triển chăn nuôi thêm gà, bò để tăng thu nhập”.

Được biết, thực hiện Chương trình 132, từ năm 2003 đến nay, huyện Ea Kar đã hỗ trợ 250ha đất sản xuất lúa nước cho 448 hộ đồng bào dân tộc Ê Đê ở các xã Cư Elang, Cư Huê và Cư Ni; nhờ đó đã giúp hàng nghìn lao động có công ăn việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo. Đồng chí Nhữ Đình Tuyến, Chủ tịch UBND xã Cư Ni cho biết: “Thực hiện Chương trình 132, xã Cư Ni đã có 201 hộ khó khăn được hỗ trợ 68ha đất lúa hai vụ (mỗi hộ 3.500-4.500m2). Nhờ có hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng thuận tiện, bà con nắm vững kỹ thuật nên năng suất ổn định 5-6 tấn/ha”.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc hỗ trợ đất sản xuất từ Chương trình 132 đã phát huy hiệu quả tích cực, mang đến cuộc sống ấm no cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Ê Đê. Với kết quả này, đồng chí Nguyễn Đăng Kai khẳng định: “Những “cánh đồng 132” không chỉ là đồng lúa tốt mà sẽ tiếp tục được người dân xây dựng thành cánh đồng đẹp. Phòng Dân tộc huyện Ea Kar đã tham mưu cho UBND huyện tuyên truyền, vận động bà con đóng góp hoặc sử dụng nguồn vốn của địa phương trồng cây xanh trên các tuyến đường nội đồng, tạo bóng mát để bà con nghỉ trưa trong những ngày ra đồng chăm sóc, thu hoạch lúa. Từ đó tạo nên mô hình mẫu về cánh đồng no ấm vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên”.

Không chỉ “cánh đồng 132” ở huyện Ea Kar mà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung còn rất nhiều cánh đồng được hình thành từ các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ việc đưa chính sách vào cuộc sống đã giúp cho hàng nghìn hộ đồng bào DTTS có tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống trên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.

Bài và ảnh: LÊ HOÀNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.