 |
Một góc bãi rác Nam Sơn |
Theo Công văn số 3029/UBND-XDĐT, ngày 12-7-2006 của UBND Thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 0 giờ ngày 20-9-2006, cấm mọi người dân vào thu nhặt phế thải tại bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Đây là một chủ trương đúng, nhưng lại vấp phải sự phản đối của một số người dân...
Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn với diện tích 130.607m2 chính thức đi vào hoạt động từ năm 1999. Từ đó đến nay, những hộ nghèo và cận nghèo của ba xã: Hồng Kỳ, Nam Sơn và Bắc Sơn có thêm nguồn thu nhập từ nghề thu nhặt phế liệu (gọi là "đi bãi"). Để tránh tình trạng lộn xộn, Xí nghiệp quản lý chất thải Nam Sơn đã có quy định chỉ cho phép người dân được vào nhặt rác từ 1giờ đến 7giờ sáng. Nhưng do ý thức của nhiều người dân còn hạn chế, nên việc làm sạch phế liệu được tiến hành ở bất cứ nơi nào có nước. Chính vì vậy, môi trường và nguồn nước ở khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cử tri đã nhiều lần kiến nghị lên huyện và thành phố về tình trạng ô nhiễm của địa phương. Ngày 12-7-2006, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 3029/UBND-XDĐT quy định rất cụ thể: Bắt đầu từ 0 giờ ngày 20-9-2006, cấm người dân vào nhặt phế thải tại bãi rác Nam Sơn.
Ngay chiều ngày 20-9-2006, trước thời điểm đóng cửa bãi 8 tiếng, nhóm phóng viên
báo Quân đội nhân dân chúng tôi đã về xã Bắc Sơn, nơi có nhiều cư dân đi bãi nhất để tìm hiểu thực tế. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, ông Nguyễn Hữu Hoa, cho biết, xã Bắc Sơn là xã nghèo của huyện Sóc Sơn, dân số khoảng 14.000 người. Về hành chính, Bắc Sơn được chia thành 9 thôn, trước năm 1999 người dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề nông, chăn nuôi và vào rừng chặt củi, hoặc làm những ngành nghề khác. Nhìn chung đời sống của nhân dân trong xã còn thấp, số hộ đói, nghèo còn chiếm một tỷ lệ cao. Mức thu nhập bình quân đạt 208.000đồng/khẩu/tháng (số liệu thống kê năm 2005) và dự tính năm 2006 sẽ đạt 300.000đồng/khẩu/tháng.
Theo Xí nghiệp xử lý rác thải Nam Sơn, có tới 530 người dân xã Bắc Sơn đăng ký "đi bãi" thường xuyên và được cấp thẻ. Nếu tính cả số người "đi bãi" thời vụ thì số này lên tới 850 người. Số người thường xuyên "đi bãi" của Bắc Sơn chủ yếu tập trung tại: thôn Lương Đình (hơn 300 người), thôn Lai Sơn (200 người), thôn Đô Tân (100 người) và thôn Nam Lý (50 người). Với mức thu nhập trung bình 20.000-30.000 đồng/người/ngày nên các hộ nghèo, cận nghèo trong xã tham gia rất tích cực trong việc đào bới rác… Ông Nguyễn Hữu Hoa khẳng định, chính những đối tượng đi bới rác của xã là tác nhân chính làm cho nguồn nước, môi trường của địa phương bị ô nhiễm. Những phế liệu nhặt từ bãi rác được người dân giặt, rửa ở bất cứ nơi nào có nước như suối, ao, hồ… sau đó mang về nhà để phơi, phân loại và bán. Còn những thứ không bán được bị vứt bừa bãi khắp nơi… Hằng ngày vào khoảng 6 giờ 30 phút đến 7 giờ, khi những người nhặt rác “tan sở”, từng đoàn xe thồ, xe máy, người gánh, người gồng… gây cản trở giao thông. Chính vì vậy, chủ trương đóng cửa cấm người dân vào khai thác phế liệu tại bãi rác của UBND thành phố là đúng, được đông đảo người dân địa phương ủng hộ.
Quyết định của thành phố đưa ra nhằm cải thiện một bước về môi trường tại bãi rác Nam Sơn và khu vực địa bàn các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ; đồng thời ngăn chặn nguồn lây lan các mầm bệnh từ bãi rác phát tán ra môi trường xung quanh, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn, từng bước bảo đảm về môi trường ít độc hại cho người dân. Thế nhưng, Quyết định này của thành phố đã bị nhiều người dân đi bãi phản đối. Cũng là điều dễ hiểu, bãi rác, là nguồn kiếm sống chủ yếu của những hộ nghèo, cận nghèo. Được biết, ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của thành phố, Đảng ủy, UBND xã Bắc Sơn đã tiến hành họp và thành lập Ban chỉ đạo do Phó chủ tịch Lê Sĩ Minh là trưởng ban, các thành viên là đại diện các ban, ngành, đoàn thể trong xã và các trưởng thôn. Ban chỉ đạo đã phối hợp với các trưởng thôn làm tốt công tác tuyên truyền về quyết định của thành phố và huyện, chuẩn bị băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi tới từng người dân trong xã. Ngày 16-9-2006, UBND xã Bắc Sơn đã mời 850 người thường xuyên đi nhặt rác tới họp trụ sở UBND xã để phổ biến chủ trương của thành phố, nhưng chỉ có 730 người tới dự và hầu hết đều không đồng tình với quyết định của UBND thành phố.
Liên tiếp những ngày 21 và 22-9-2006, tâm lý hoang mang đang bao trùm lên cuộc sống của những gia đình sống bằng nghề "đi bãi". Anh Trần Văn Ngưu, ở thôn Nam Lý cho biết: “Cũng như nhiều người dân ở xã Bắc Sơn, tôi "đi bãi" từ năm 1999 đến nay. Ô nhiễm thì đã ô nhiễm rồi, người dân Bắc Sơn “tình nguyện” sống chung với rác từ bao năm nay, cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo mới phải "đi bãi". Nói gì thì nói, tuy bãi rác có làm ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng tôi, nhưng nhờ có bãi rác mà không ít gia đình có cái ăn, cái mặc, có tiền nuôi con cái học hành, xây dựng nhà cửa…”. Anh Nguyễn Văn Thành, 25 tuổi, ở thôn Lai Sơn, có “thâm niên” 5 năm trong nghề, tâm sự: “ Gia đình tôi có 7 nhân khẩu, thì trừ cháu bé mới sinh và mẹ cháu ra, còn lại 5 người, già có, trẻ có hàng ngày vẫn "đi bãi" để nhặt phế liệu. Phế liệu chủ yếu được nhặt là: kim loại, chất dẻo, ni-lon, thuỷ tinh… tất cả những gì có thể bán được là chúng tôi nhặt mang về rửa sạch, phơi khô, bán cho khách hàng. Vẫn biết công việc "đi bãi" là vất vả, cực nhọc, nhưng do ruộng ít, làm nông nghiệp không đủ ăn nên mọi người mới phải "đi bãi". Nếu chịu khó cóp nhặt, một đêm cũng kiếm được 50.000 - 60.000đồng. Vào những ngày mưa, xe lấp đất không lấp được dầy, số người "đi bãi" ít hơn nên thu nhập sẽ cao hơn tới 70.000 đến 80.000 đồng/người/đêm…” Ông Nguyễn Văn Hay, 48 tuổi, ở thôn Lai Sơn bức xúc: “ Trước đây, người dân Bắc Sơn sống chủ yếu bằng nghề nông, chăn nuôi và vào rừng đốn củi. Từ khi bãi rác đi vào hoạt động người dân Bắc Sơn vào bãi khai thu nhặt phế liệu. Gia đình tôi có 6/9 khẩu, gồm: vợ tôi, 2 con trai, 2 con dâu và con gái thường xuyên "đi bãi". Nếu thành phố cấm không cho vào bãi thu nhặt phế liệu thì chúng tôi biết sống bằng gì? Không lẽ chúng tôi lại vào cánh rừng của huyện trên địa bàn xã chặt trộm cây mang bán để đong gạo sống qua ngày sao? Khi thành phố chưa có giải pháp cụ thể, nên cho chúng tôi tiếp tục vào bãi kiếm sống. Đến khi nào có lò đốt rác và có chính sách hỗ trợ giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất… thành phố không cấm chúng tôi cũng chẳng vào bãi làm gì.”
Vì một Thủ đô xanh, sạch, đẹp, vì sức khoẻ của người dân sống gần bãi rác Nam Sơn, việc thực hiện chủ trương cấm tuyệt đối người dân vào nhặt phế thải tại bãi rác cần được triển khai một các đồng bộ, kiên quyết hơn. Nhưng để đạt được tính bền vững, thành phố nên xem xét tới chính sách hỗ trợ cho những hộ dân này. Đối với lao động có trình độ, có khả năng thì hỗ trợ giúp họ học nghề, tạo việc làm. Những người trình độ văn hóa thấp, nên hỗ trợ giống, vốn để họ phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Thổ nhưỡng của Bắc Sơn rất phù hợp với cây chè, huyện và thành phố nên cân nhắc tới việc hỗ trợ vốn để người dân phát triển trồng cây chè theo hướng cây hàng hoá. Nếu chỉ đơn thuần cấm, mà không có sự hỗ trợ để người dân chuyển đổi nghề, thì họ biết đi đâu, về đâu? Lời tâm sự trước lúc chia tay với chúng tôi của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Hoa chính là nội dung mà ông đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo huyện Sóc Sơn và thành phố Hà Nội.
Nhóm phóng viên Phòng Bạn đọc- Cộng tác viên