Tháng Chạp, dòng người từ khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc, thậm chí cả một số lượng khách từ các tỉnh phía Nam nườm nượp đổ về Lạng Sơn. Có người đi Chùa, đi đền tạ lễ một năm qua và cầu may mắn cho một năm sắp tới. Có người đi Mẫu Sơn xem đào phai đang độ ra lộc, nụ còn sẫm màu dự báo cho mùa hoa tươi vào dịp Tết. Có người háo hức chờ tiết trời giá cóng để một lần được thấy tuyết… Nhưng tất cả họ dường như sau đó đều không thể bỏ qua một thú vui vốn được đánh giá hàng đầu để níu khách của xứ Lạng: Mua hàng giá rẻ.

Giá rẻ bất ngờ

Tôi đến Tân Thanh mới 7 giờ 30 phút. Ba bãi đỗ xe của khu chợ cửa khẩu đã nhộn nhịp. Những chiếc xe khách vài chục chỗ chở hợp đồng du lịch từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa… Những chiếc xe con, xe gắn máy đứng xếp hàng chờ vào bãi.

Nếu như những năm trước, ở Tân Thanh mặt hàng được ưa chuộng nhất là đồ gia dụng (xoong nồi, bát, đĩa…) và đồ điện tử thì nay những mặt hàng đó đã ít được quan tâm. Thủy tinh cao cấp giả pha lê có vẻ là mặt hàng được ưa chuộng. Chế tác tinh xảo, giá cả phải chăng, các cửa hàng bán đồ thủy tinh luôn tấp nập người ra, vào. Số lượng mua về trang trí và dùng trong các gia đình không nhiều, đông nhất là lượng mua về làm quà Tết, quà tặng trong lễ tổng kết năm của các cơ quan. Giá cả của những mặt hàng thủy tinh này cũng phong phú, nhưng cao nhất chỉ vài trăm nghìn cho một bộ ly rượu tuyệt đẹp mà nhiều khách mua hàng đã phải xuýt xoa “không khác gì pha lê Tiệp”.

Tấp nập người mua, kẻ bán
Mùa Tết gần với mùa cưới nên chăn ga cũng trở thành mặt hàng tiêu thụ mạnh. Nhiều đôi bạn trẻ và các bà, các cô có con sắp kết hôn đã tranh thủ lần đi này mua cho nhà mình một bộ chăn ga mới. Chăn ga Trung Quốc nhiều mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc đẹp, giá lại hợp lý. Với nửa triệu đồng bạn đã được sở hữu một bộ chăn ga lông vũ loại dày nhất, còn các loại chăn giả Hàn Quốc, chăn băng lông thì chỉ 200.000-300.000 đồng/bộ (ở Hà Nội, giá của một chiếc băng lông tốt khoảng 500.000-600.000 đồng).

Thương nhân Trung Quốc bao giờ cũng nhanh nhạy với thị trường, bởi thế mà những mặt hàng đang trở thành “nóng”, “thời sự” của Việt Nam đã được đáp ứng đầy đủ ở đây: mũ bảo hiểm, đồ Tết (bánh kẹo, pháo hoa-bán lậu, hoa giả trang trí, tứ bình, pháo hoa điện tử…) với giá rẻ đến bất ngờ. Mũ bảo hiểm nhìn như mũ Honda “xịn”, chỉ thiếu tem bán với giá 20.000 đồng/chiếc (bình thường là khoảng 220.000-250.000 đồng/chiếc), pháo hoa 3.000 đồng/cây… Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng này đều không được bày bán công khai. Còn các mặt hàng khác cũng có giá rẻ không ngờ: nồi áp suất 30.000 đồng/loại nhỡ, 50.000 đồng/loại to; tivi màn hình phẳng 17 inch giá 600.000-800.000 đồng/chiếc; màn khung 50.000 đồng/bộ…, tứ bình 200.000-500.000 đồng/bộ; điện thoại 8800 Nokia giá 1.500.000 đồng (hàng công ty Nokia có giá khoảng 10 triệu đồng)…

Vẫn như truyền thống, vào mùa mua sắm, hàng hóa ở Tân Thanh nhiều không kể xiết nhưng lượng hàng chất lượng hơn vẫn theo nhau đổ về Đông Kinh. Bởi thế khu chợ này dù giá cao hơn cũng vẫn tấp nập người mua, đặc biệt là người mua lẻ về dùng cá nhân hoặc gia đình. Trái với cảnh tượng của hai khu chợ này, những khu thương mại cao cấp như Trung tâm Thương mại Việt-Trung, Trung tâm Thương mại Hồng Kông (Tân Thanh) hay chợ Kỳ Lừa - Lạng Sơn lại vô cùng vắng vẻ. Thậm chí khu chợ Kỳ Lừa gần như đã đóng cửa ban ngày, chuyển thành chợ đêm.

Tiếng Việt ở chợ Tân Thanh

Những người Trung Quốc bán buôn ở chợ Tân Thanh tận dụng triệt để vốn tiếng Việt ít ỏi sao cho chuẩn nhất trong phát âm, cách viết và đặc biệt là cách thức bán hàng. Họ niềm nở, tận tình với các mánh quảng cáo độc đáo, thu hút sự chú ý như "Hàng xịn, giảm giá, bán lỗ không mặc cả", "Dao chặt sắt 6 không sứt" (kèm theo lời quảng cáo là một người cứ ngồi cầm dao chặt vào thanh sắt)… Trong khi đó, các chủ hàng Việt Nam lại khá thờ ơ với những vấn đề này. Có người khách, chắc rằng mới đi chợ Tân Thanh lần đầu, đã thốt lên "Thương ôi tiếng Việt" khi vào khu buôn bán của người Việt Nam. Những tấm biển viết nguệch ngoạc, méo mó "o mua o xao" (không mua không sao), "thảm chải lền" (thảm trải nền), "hàng sịn" (hàng xịn), "áo gia" (áo da)… khiến những vị khách như tôi thật sự phải xót xa cho sự trong sáng của tiếng Việt, và càng xót xa hơn khi bên cạnh những dòng tiếng Việt viết sai ấy là những dòng chữ Trung Quốc của chính họ, không sai một nét.

Không chỉ viết, nhiều người phát âm tiếng Việt cũng ngọng. Cách sử dụng từ ngữ “nóng”, thậm chí là loạn chữ và bậy bạ rất nhiều, ngay cả khi nói với khách hàng. Đây dường như đã trở thành thói quen nói năng của nhiều người ở khu chợ Tân Thanh, thực sự khiến cho những vị khách ở các tỉnh đến đây mua hàng phải thương thay cho tiếng Việt.

Hàng lậu, hàng cấm bán công khai

Hàng “đen”, hàng cấm cũng là một mặt hàng có lợi nhuận cao nhất đối với người buôn bán tại đây. Bởi thế mà dù không được bày bán công khai, nhưng nếu có nhu cầu, khách sẽ dễ dàng mua được những kiếm (là vũ khí cấm), đĩa nhạc, đĩa phim “đen”, pháo hoa (thậm chí cả pháo nổ), mũ bảo hiểm không tem, máy tiết kiệm điện (nghe quảng cáo là tiết kiệm 1/3 điện năng tiêu thụ)… từ lực lượng bán hàng chui (hay còn được gọi là đội quân hỏi - gặp khách nào cũng hỏi, đồng ý mới cho xem hàng). Hoàng (một người chuyên sưu tập kiếm ở Hà Nội) cho biết: "Tôi thường đặt kiếm kiểu Nhật và Trung Hoa từ những người buôn chui ở Tân Thanh. Loại nào cũng có. Thậm chí, nếu tôi ngại vận chuyển, họ sẽ chuyển hàng về tận Hà Nội cho mà không tính thêm phí". Chính đội quân bán chui lẻ này cũng đồng thời làm nhiệm vụ "thám thính" để thăm dò các lực lượng công an và khách có nhu cầu muốn lấy buôn về bán ở Hà Nội hoặc các tỉnh phía Bắc.

Các mặt hàng cấm này, cũng về Lạng Sơn theo con đường của hàng lậu thông thường-những con đường mòn, đường núi dọc biên giới Lạng Sơn-Trung Quốc như Dốc Quýt, Hang Dơi, Ma Mèo, Gốc Bưởi, Gốc Nhãn, Bãi Gianh… Một ngày có không biết bao nhiêu chuyến hàng lậu, hàng cấm đã được chuyển từ những địa chỉ này về Tân Thanh, về Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… Hàng lậu ở xứ Lạng bày bán công khai, kể cả trên mẫu mã: Chăn Hàn Quốc "xịn" do Trung Quốc sản xuất, nồi xuất xứ Nhật Bản có "made in China" không còn là lạ. Hàng lậu cũng không đơn giản chỉ là yếu tố cơ bản tạo nên một xứ Lạng "thiên đường mua sắm", mà chính nó đã khiến cho ở mảnh đất này, mọi mặt hàng của Việt Nam không còn chỗ chen chân, dù là hàng bình dân giá rẻ hay hàng chất lượng cao. Hơn thế, chính lượng hàng lậu này đã chiếm một số lượng lớn hàng hóa tiêu thụ ở các địa phương phía Bắc. Chị Vân (một chủ buôn bánh kẹo, quần áo ở Hàng Buồm) đã nói: "90% hàng hóa ở đây là của Trung Quốc. Có khi hàng Việt Nam chất lượng tốt hơn, nhưng mẫu mã không phong phú, với lại giá thường cao hơn, khó bán lắm. Cứ buôn hàng Trung Quốc, lãi ít, bán được nhiều lại thành lãi nhiều, có ế cũng không lỗ nặng, dễ hơn".

Tâm lý thích hàng rẻ, đơn giản trong cách nghĩ của người mua (không cần biết xuất xứ, nguồn gốc), người bán (chỉ cần lãi) đã vô tình tạo một lợi thế đặc biệt cho hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam, đặc biệt trong những dịp Tết như thế này. Cần có những giải pháp đồng bộ hơn nữa để hỗ trợ các lực lượng chống buôn lậu ngay từ tuyến đầu Lạng Sơn, bảo đảm lợi ích thực sự của người tiêu dùng và cả lợi ích của người sản xuất trong một cuộc cạnh tranh lành mạnh.

Bài và ảnh: HUYỀN THANH