Trong chuyến công tác ra Trường Sa vào tháng 5-2019, ngoài nhu yếu phẩm, vật chất bổ sung cho các đảo, thứ mà mọi người mong chờ nhất có lẽ là các sản phẩm xà phòng sinh học dùng trong nước mặn được Phòng Quân nhu, Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân mang ra cho cán bộ, chiến sĩ dùng thử nghiệm. Tại đảo Đá Tây, khi xuồng chở đoàn công tác vừa cập cảng đã rất đông chiến sĩ chờ đợi với đầy đủ xô, chậu và quần áo bẩn sẵn sàng cho việc dùng thử nghiệm xà phòng sinh học. Sau khi làm mọi công tác chuẩn bị, Trung tá Đặng Đức Hiệp, Trợ lý Phòng Quân nhu, Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân giới thiệu về các sản phẩm và cách sử dụng. Chiến sĩ được chia thành 3 nhóm, nhóm một thử nghiệm xà phòng giặt quần áo, nhóm hai thử nghiệm xà phòng tắm và nhóm ba sử dụng dầu gội đầu. Theo quan sát của chúng tôi, mọi công đoạn sử dụng sản phẩm đều giống với các loại xà phòng và dầu gội bình thường. Tuy trong môi trường nước mặn nhưng xà phòng vẫn tạo bọt tốt và mức độ tẩy rửa rất cao, đặc biệt mùi thơm rất dễ chịu. Binh nhất Nguyễn Huy Kiên, Trung đội nuôi quân đảo Đá Tây, người trực tiếp thử nghiệm cho biết: “Tôi cảm thấy có mùi thơm dễ chịu hơn các loại xà phòng khác dùng cho nước ngọt, giặt quần áo lại nhanh sạch và lưu lại mùi hương lâu. Nếu được cấp loại xà phòng này thì không những chúng tôi tiết kiệm được nhiều nước ngọt, mà rất thuận tiện trong sinh hoạt và công tác”.
 |
Thử nghiệm các sản phẩm xà phòng sinh học tại đảo Đá Tây. |
Sự ra đời của xà phòng thủy thủ “Made in Việt Nam” là câu chuyện dài lý thú mà đồng chí Đặng Đức Hiệp chia sẻ với chúng tôi: “Trong những lần giao lưu với hải quân các nước, chúng tôi quan sát thấy thủy thủ một số nước có loại xà phòng đặc biệt dùng trong nước mặn. Chúng tôi tìm hiểu và được biết giá thành của các sản phẩm này thường rất cao. Sau một thời gian trăn trở, tính toán, Phòng Quân nhu, Cục Hậu cần, Quân chủng Hải Quân đã tham mưu cho Bộ tư lệnh Quân chủng Hải Quân đặt hàng với Viện Công nghệ mới, Viện KH&CNQS, Bộ Quốc phòng. Và bắt đầu từ năm 2012, đề tài “Nghiên cứu chất tẩy rửa, xà phòng dùng trong nước mặn, nước lợ, phục vụ chiến sĩ hải quân” đã được Viện KH&CNQS triển khai. Công trình do Thiếu tá, Thạc sĩ Nguyễn Khánh Hoàng Việt, Trưởng phòng Công nghệ sinh học, Viện Công nghệ mới, Viện KH&CNQS, Bộ Quốc phòng làm chủ nhiệm đề tài. Quá trình nghiên cứu, hoàn thiện, thông qua đánh giá thẩm định và được thử nghiệm sử dụng trong điều kiện biển đảo với nhiều mục đích khác nhau, như: Tắm, giặt, rửa dụng cụ cấp dưỡng, tàu thuyền… tại một số đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân và lực lượng kiểm ngư (Chi đội Kiểm ngư số 3, Đà Nẵng); Trung đoàn 196, Lữ đoàn 147, một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa (Đá tây, Trường Sa Đông, Trường Sa lớn, Thuyền Chài…). Kết quả đánh giá thử nghiệm tại các đơn vị cho thấy, sản phẩm có khả năng tẩy rửa tốt các vết bẩn ngay cả khi chỉ dùng với nước có độ mặn cao; quần áo sau khi giặt mềm mại hơn so với quần áo được giặt bằng xà phòng thông thường; sản phẩm dùng cho tắm, rửa trong nước mặn tốt hơn hẳn so với các sản phẩm tẩy rửa khác được đối chứng. Đây là giải pháp tiết kiệm nước ngọt hiệu quả. Tháng 2-2017, đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Bộ Quốc phòng thông qua đề nghị với Bộ Quốc phòng cho phép sản xuất loạt "0" (loạt nghiên cứu, hoàn thiện, thử nghiệm trước lúc đưa ra sản xuất hàng loạt) các sản phẩm xà phòng dạng kem (BioSoap-CS), dạng bánh (BioSoap-BS) và dạng gel (BioSoap-GS).
Theo Thiếu tá Nguyễn Khánh Hoàng Việt: Với các sản phẩm được nghiên cứu, bộ đội có thể dùng để tắm giặt và cho các mục đích khác trong môi trường nước mặn, nước lợ. Sản phẩm thân thiện môi trường và có tính lưỡng dụng có thể sử dụng cho các ngư dân đi biển dài ngày... Đây là giải pháp có tính thực tiễn, hữu hiệu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bộ đội. Cụ thể, sản phẩm xà phòng dùng trong nước mặn Sailor Soap có giá bán tại thị trường Mỹ là 6USD/chai thể tích 120ml (chưa tính thuế và phí vận chuyển về Việt Nam: Khoảng 7USD/chai). Như vậy, nếu tính giá thành cho 1 lít thành phẩm tại Mỹ là khoảng 50USD (gần 1,2 triệu đồng/lít). Hiện nay, Viện Công nghệ mới đã tiến hành nghiên cứu tạo ra các sản phẩm xà phòng dạng gel (BioSoap-GS), dạng kem (BioSoap-CS) và dạng bánh (BioSoap-BS) có tính năng tương tự nhưng giá thành thấp hơn rất nhiều, chỉ bằng 25-30% so sản phẩm nhập ngoại. Từ những hiệu quả qua thử nghiệm, theo Quyết định số 936/QĐ-KHQS, ngày 4-5-2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã phê duyệt danh mục đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ Quốc phòng thực hiện trong năm 2018 có nội dung triển khai sản xuất loạt "0" xà phòng sinh học sử dụng trong điều kiện nước mặn với số lượng sản phẩm dự kiến lên tới hơn 10 tấn cho 3 loại sản phẩm. Các sản phẩm sẽ được thử nghiệm mở rộng tại Quân chủng Hải quân và Quân khu 7 để đánh giá hiệu quả và nhu cầu sử dụng trong thời gian sắp tới trước khi đưa vào sản xuất loạt lớn và tiến tới từng bước trang bị cho quân đội...
LÊ ANH TẦN