1. Tối muộn, trong căn phòng trực tại sở chỉ huy lữ đoàn, tiếng điện thoại đổ chuông liên hồi. Đại úy QNCN Nguyễn Thị Thu Hương, nhân viên truyền số liệu, Đại đội 1 (Tiểu đoàn Thông tin) cầm vội chiếc điện thoại chạy ra sân: “Mẹ đây, có chuyện gì thế con?”. Ở đầu dây bên kia, tiếng cậu con trai hỏi lại: “Mẹ ơi, thuốc của anh có mấy loại, uống bao nhiêu viên?”. Chị nhắc con quay điện thoại vào từng loại thuốc, hướng dẫn chia ra từng phần cẩn thận, rồi dặn chỗ để dầu gió, bông băng, nơi để thuốc cho thuận tiện, dễ lấy. Chia xong số thuốc, cậu con trai hỏi lại: “Bao giờ thì mẹ hết trực. Con ở nhà bình thường thì không sao, nhỡ anh có vấn đề gì thì con biết làm thế nào?”. Nghe câu nói ấy của con mà lòng chị Hương thắt lại. Chị an ủi con: “Tình hình dịch căng thẳng thế này cũng chưa biết thế nào. Thôi con lấy thuốc cho anh uống đi. Có gì mai mẹ gọi lại”.

Cả đơn vị ai cũng biết chuyện riêng, cuộc sống gia đình trắc trở của chị Hương... Đầu năm 2016, con trai đầu của chị-cháu Đỗ Tuấn Anh bị xuất huyết não phải phẫu thuật để làm tan khối máu tụ trong não. Qua 5 lần phẫu thuật, Tuấn Anh phải đặt đường dẫn lưu từ não thất xuống ổ bụng và sống trong tình trạng thực vật gần một năm. Gia đình kết hợp điều trị thuốc tây với vật lý trị liệu, sức khỏe của Tuấn Anh dần hồi phục. Tuy vậy, mọi sinh hoạt của em vẫn phải nhờ người thân. 

  Các nữ nhân viên báo vụ Lữ đoàn 918 luôn vững tâm thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. 

Đợt dịch thứ tư bùng phát. Dù nhà neo người nhưng chị Hương vẫn tình nguyện ở lại cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và bảo đảm an toàn PCD. Việc nhà chị để lại cho cậu con trai thứ hai là Đỗ Huy Hoàng. Vắng mẹ, anh em tự lo, có việc gì gọi điện hỏi mẹ. Chị Hương trải lòng: “Mình không có nhà, mọi sinh hoạt sẽ bị xáo trộn. Thương nhất là cậu anh thị lực kém lại mất vị giác, em cho ăn gì thì biết cái đó. Tuổi mới lớn nên cháu Hoàng còn đểnh đoảng cơm nấu một bữa ăn hai. Nghe con kể lại mà mình thương rớt nước mắt, mong sao dịch bệnh chóng qua để ghé về nhà thăm con”.

2. Ngay từ khi biết tin Bắc Giang bùng phát dịch mạnh, Thượng úy QNCN Nguyễn Trọng Hoằng, nhân viên câu lạc bộ nhà văn hóa (Phòng Chính trị) thường xuyên gọi điện về cho bố mẹ ở thôn Hạ, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam để nắm tình hình. Giữa trưa hè nắng gắt, vừa cầm bát cơm lên thì nhận được tin hai cậu em trai cùng cô em dâu phải đi cách ly. Trực ở đơn vị, anh Hoằng theo dõi sát sao tình hình ở nhà, gọi điện hỏi thăm các em, thường xuyên nhắc bố mẹ phải đeo khẩu trang, không đi ra ngoài, có biểu hiện gì khác thường phải báo ngay y tế. Về phần mình, anh cũng tự thu xếp công việc cá nhân. Vợ đi làm công ty, hai con nhỏ một 7 tuổi, một 3 tuổi đang nghỉ học. Quê nội Bắc Giang không về được, anh đành nhờ bà ngoại ở Hải Dương lên đón cháu về.

“Thương quê đang gồng mình chống dịch, tôi thấy phải làm cái gì đó để giúp đỡ mọi người”, anh Hoằng chia sẻ như vậy. Vốn có năng khiếu văn nghệ, anh đặt lời mới cho các ca khúc quen thuộc, viết những câu vè cổ động rồi tự đọc, tự hát, đăng trên Facebook. Người thân, bạn bè nghe xong rất ủng hộ, nhất là những người ở quê như được tiếp sức trong hành trình chống dịch. Vậy là giờ nghỉ trong căn phòng nhỏ lại vang lên tiếng hát, câu vè cổ động thiết thực: “Xin mọi người hãy luôn cảnh giác/ Đừng ra ngoài để lây nhiễm đấy nha/ Nhớ nhắc nhau thực hiện “5K”/ Cùng chung sức ta chiến thắng đại dịch...”.

3. “Các chị ở đây không vấn đề gì đâu. Khó khăn thì khó khăn chung, sao bằng nơi tâm dịch được”, Thiếu tá QNCN Đồng Thu Cúc, y sĩ Bệnh xá Lữ đoàn 918 đã trả lời chúng tôi như vậy. Thời gian qua, một số quân nhân ra ngoài công tác và trở thành F1, F2 đang phải cách ly tại bệnh xá. Từ khi tiếp nhận, đội ngũ bác sĩ, y sĩ đã thực hiện đúng các quy định trong PCD. Đều đặn hằng ngày, chị Cúc cùng với anh em trong bệnh xá đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe quân nhân cách ly. Đến bữa ăn, chị mang từng suất cơm đến tận cửa phòng nhằm hạn chế quân nhân di chuyển trong đơn vị. Chị Cúc cho biết: “Ngoài kiểm tra sức khỏe, chúng tôi còn động viên bộ đội yên tâm thực hiện cách ly. Mình tuy có vất vả một chút nhưng cũng là cách thể hiện sự sẻ chia với đồng đội”.

Mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh, nhưng ai nấy đều lo thu xếp công việc gia đình, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Dẫu không phải ở tuyến đầu nhưng mọi quân nhân luôn yên tâm trực tại đơn vị, không di chuyển, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào doanh trại cũng là góp phần cùng toàn dân chống dịch. Ở hậu phương, người thân cũng thấu hiểu điều đó. Vì vậy mà những cuộc điện thoại, tin nhắn yêu thương vẫn được sẻ chia. Tất cả cùng động viên nhau chiến thắng đại dịch, để gia đình sớm được sum vầy.

Bài và ảnh: VŨ DUY