Đó là nghịch cảnh mà từ hơn chục năm nay, bao thế hệ học sinh trường THCS Trương Hán Siêu (phường Thanh Bình-thành phố Ninh Bình-tỉnh Ninh Bình) phải chịu đựng. Trường được xây dựng từ những năm 1991 - 1992 và đến năm 2006 đã hoàn thiện về cơ sở vật chất để chuẩn bị đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn I. Toàn trường có 962 học sinh và 63 giáo viên, là một trong những trường đông nhất thành phố Ninh Bình. Nhưng hằng ngày, học sinh của trường phải học trong cảnh vừa nghe giảng bài, vừa nghe hát chèo phát ra từ loa của Nhà hát chèo Ninh Bình ở đối diện và những tiếng đập chát chúa suốt ngày của những xưởng cơ khí tư nhân bên đường.

Nghệ thuật hát chèo (ảnh internet)

Qua tìm hiểu, được biết nhà hát chèo được xây dựng sau Trường THCS Trương Hán Siêu và nằm trong khuôn viên của Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh. Nhưng không hiểu vì lý do nào đó, do vô tình hay cố ý làm ngơ trước sự hiện diện của ngôi trường đã có từ trước, mà các nhà quy hoạch lại cho xây dựng Nhà hát chèo ở vị trí đối diện. Ông Đinh Đức Tùng, Giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình cho biết: "Hiện nay chúng tôi chỉ có một hội trường tập, nhưng không có hệ thống cách âm, mà số lượng diễn viên đông như thế thì khi tập phải dùng loa mới đảm bảo chất lượng. Việc chúng tôi tập và phát ra loa như thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giờ học của học sinh. Nhưng đó là công việc của nhà hát, chúng tôi không thể nghỉ tập và chẳng còn cách nào khác là vẫn phải tập luyện hằng ngày dù biết điều đó đang ảnh hưởng lớn tới các em học sinh bên kia đường".

Cô giáo Nguyễn Hồng Hạnh nửa đùa, nửa thật: Nếu có cuộc thi nào dành cho giáo viên nói to thì chắc trường tôi phải đạt giải nhất, vì ngày nào giáo viên cũng phải giảng bài như "hét" để có thể át được tiếng hát chèo và những tiếng ồn với đủ cấp độ của xưởng cơ khí". Cô còn kể thêm về những câu chuyện "dở khóc, dở cười", vừa thấy giận, vừa thương học sinh khi "có những em tưởng đang chú ý nghe giảng, cô giáo gọi đứng lên thì không biết cô đang giảng gì chỉ vì tiếng hát chèo đang "trú ngụ" trong đầu em rồi". Mỗi khi tiếng loa của Nhà hát chèo phát ra, lớp học đang im ắng bỗng ồ lên, làm cô giáo phải ngưng bài giảng để ổn định lớp học...

Trước tình trạng trên, nhà trường đã nhiều lần đề nghị lên các cấp chính quyền và sang "thỏa hiệp" với Nhà hát chèo nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn "giậm chân tại chỗ". Và hằng ngày, bao lớp học sinh của nhà trường vẫn phải vừa nghe giảng, vừa "tranh thủ giải trí" bằng nghe hát chèo và những "bản nhạc không lời" của tiếng búa, tiếng máy hàn xì... Ngay cả những giờ kiểm tra cuối học kỳ đang diễn ra, học sinh cũng khó có thể tập trung làm bài khi bên ngoài là những âm thanh hỗn độn đang "lấn át".

KHÚC THÂN THƯƠNG