Bất ngờ tấp thẳng vào lề đường, bỏ điểm dừng, đỗ, lấn đường chèn ép các phương tiện khác, gây tai nạn tiếp tục chạy bỏ mặc nạn nhân, có những lời nói, hành vi bất nhã với hành khách...tất cả những hành động đó của một số lái, phụ xe đang làm mất đi hình ảnh đẹp về xe bus bất chấp những nỗ lực của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (CTVT) nhằm xây dựng thương hiệu Transerco, Hanoibus...vươn lên tầm khu vực. Chúng tôi đã được nghe nhiều ý kiến của dân và các cơ quan chức năng xung quanh vấn đề này.
Số lượng tăng, chất lượng giảm
Sáng 21-8, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng CTVT Hà Nội. Ông cho biết: "Tôi vừa nhận được phản ánh qua đường dây nóng tuyến xe bus 26 có 7 điểm xe bỏ điểm dừng, đỗ... Tổng Công ty sẽ chỉ đạo kiểm tra, xem xét xử lý nghiêm tình trạng này". Chi tiết trên phần nào cho thấy những bức xúc của dư luận đã đến được với cơ quan chủ quản.
Mỗi ngày, đường dây nóng của Tổng CTVT Hà Nội nhận được hàng chục cuộc điện thoại của hành khách phản ánh những bức xúc về xe bus. Qua các ý kiến, lỗi chủ yếu là xe bus vượt ẩu, lấn đường chèn ép các phương tiện khác, thái độ ứng xử thiếu văn hoá của lái xe... Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây là nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Theo số liệu thống kê của cơ quan công an, trên địa bàn Hà Nội, từ đầu năm đến nay xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe bus. Trong số đó có 13 vụ do lỗi của xe bus trực tiếp gây ra, gồm 36% lỗi do xe bus chuyển hướng không đúng quy định, 29% do xe bus chuyển làn đường không bảo đảm an toàn, 21% do xe bus đi sai phần đường. Chính lực lượng Cảnh sát Giao thông cũng thừa nhận: Rất khó xử lý các xe bus vi phạm trật tự an toàn giao thông. Mặc dù có thể phát hiện xe bus vượt ẩu, đi sai phần đường nhưng thường bị các lái xe bus chối cãi (!?) Mặt khác việc dừng xe bus để xử phạt giữa đường thường gây ách tắc giao thông và đặc biệt là sự phản đối của những hành khách trên xe. Theo lãnh đạo Tổng CTVT Hà Nội với số lượng vụ tai nạn như trên thì chưa phải là quá phức tạp. Tuy nhiên, theo chúng tôi việc vi phạm trật tự an toàn giao thông, gây tai nạn đã là đáng trách, nhưng đáng phê phán hơn nhiều là thái độ hành xử thiếu chất nhân văn, lòng nhân ái của một số lái, phụ xe. Điển hình phải nêu ra là trường hợp xe bus BKS: 29T-4765 do lái xe Sầm Văn Hùng điều khiển. Sau khi va chạm với xe containơ, xe bus không dừng lại. Chủ xe containơ thuê xe ôm đuổi theo yêu cầu xe bus dừng lại để giải quyết. Nhưng xe bus vẫn tiếp tục chạy, đến khu vực bến xe Lương Yên, lái xe bus đã cho xe tạt vào xe ôm làm chủ xe containơ (ngồi sau xe ôm) chết tại chỗ, lái xe ôm bị thương nặng. Một vụ khác cũng rất đáng nói là phụ xe và lái xe bus BKS: 29U-2818 đánh chảy máu đầu, ngất xỉu một người dân trên đường Đại Cồ Việt. Khách đi đường phải gọi Cảnh sát 113 đến giải quyết... Hiện tượng nói năng thiếu văn hoá, phân biệt đối xử giữa khách đi vé tháng với khách dùng "tiền tươi" mua vé, quát mắng, hướng dẫn thiếu tận tình những người chưa thuộc đường, thuộc bến diễn ra khá phổ biến. Ông Nguyễn Như Thường, số nhà 3, ngõ 134, phố Lê Trọng Tấn bức xúc nói: "Tôi từng được chứng kiến trên tuyến xe 29, một phụ nữ lên xe bus, chị ta đã nói với phụ xe khi nào đến Chợ Xanh thì cho xuống nhưng phụ xe không những bỏ mặc để xe chạy vượt qua mà còn chửi tục khi chị hỏi lại nhiều lần...". Anh Vũ Xuân Vịnh, công tác tại Khoa Quân sự chung, trường Đại học Giao thông Vận tải phàn nàn: "Chạy ẩu lắm, như "hung thần" trên đường phố. Đi đường nhiều lúc tôi nghĩ "tránh voi chẳng xấu mặt nào" mình cứ chủ động tránh xa xe bus".
Những năm gần đây, lượng xe bus tăng nhanh nhưng đi liền với nó là khá nhiều bất cập. Năm 2002, Tổng CTVT Hà Nội đã đưa xe bus vào hoạt động ở 31 tuyến với 413 xe. Năm 2003, số xe tăng lên 678 với 41 tuyến. Đến tháng 6-2006, số xe của Tổng Công ty lên tới gần 800 chiếc với 53 tuyến, trong đó có 9 tuyến xã hội hoá. Chính việc tăng quá nhanh số lượng xe đòi hỏi một đội ngũ lái xe và phụ xe lớn. Hiện nay, Tổng CTVT Hà Nội có 1.700 lái xe và 1.700 phụ xe. Lãnh đạo Tổng Công ty thừa nhận việc tuyển lái xe bus là rất khó (lái xe phải có giấy phép lái xe loại E, tức phải có thâm niên nhiều năm trong nghề) đây chính là cái thiếu mà Tổng Công ty buộc phải tuyển và ít có sự lựa chọn. Đội ngũ phụ xe cũng nằm trong tình trạng tương tự. Việc tăng quá nhanh số lượng xe dẫn đến có lúc không bao quát hết việc quản lý về chất lượng đầu vào. Mặt khác, công tác quản lý, giáo dục cũng chưa được coi trọng, công tác thanh tra, kiểm tra cũng hạn chế nên nhiều lái xe làm ẩu.
Cái nhìn từ hai phía
Ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng CTVT Hà Nội thừa nhận: Thời gian qua có nhiều sai phạm của các xe bus. Tổng Công ty cũng đã và đang tìm mọi cách chấn chỉnh tình trạng trên. Theo ông Dũng, trình độ văn hoá ứng xử của lái xe không đồng đều là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra sự phàn nàn của khách. Đơn vị chủ quản đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức, văn hoá ứng xử cho đội ngũ nhân viên, đồng thời phát động nhiều đợt thi đua để xây dựng hình ảnh xe bus văn minh nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Trước thực trạng các xe bus vi phạm, Tổng Công ty đã tiến hành kỷ luật, xử phạt một số trường hợp. Trong 3 năm (2003-2005), Tổng Công ty đã xử phạt 300 trường hợp, mức phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng/lần. Từ đầu năm 2006 đến nay, Tổng Công ty đã buộc thôi việc 28 trường hợp... Hiện nay, đường dây nóng (số điện thoại (04) 8436393) của Tổng CTVT Hà Nội là nơi tiếp nhận, giải quyết những ý kiến của hành khách phản ánh... Tổng Công ty đã khá kiên quyết với các sai phạm, nhưng theo chúng tôi, từng đó là chưa đủ sức giáo dục.
Cũng phải thấy rằng có nhiều khó khăn trong hoạt động xe bus đặc biệt là hệ thống giao thông, hạ tầng không theo kịp. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, trong số 1000 điểm dừng, đỗ mới chỉ có 10 điểm đủ tiêu chuẩn (điểm đỗ phải được khoét sâu vào trong, có chỗ cho xe bus vào). Đây là một hạn chế mà nếu không có sự vào cuộc của cấp chức năng thành phố thì thật khó khắc phục. Bên cạnh đó, những điểm trung chuyển của xe bus quá chật trong khi xe bus lại quá cồng kềnh. Chúng ta chưa có đường dành riêng cho xe bus, mới chỉ có đường Nguyễn Trãi đang thí điểm. Đường Hà Nội, bình quân 450 mét có một giao cắt, diện tích đường hẹp trong khi xe bus phải ra vào liên tục cũng là một cái khó. Tốc độ lưu thông khác nhau giữa các phương tiện trên cùng một làn đường có xe bus cũng làm cho xe khó xử lý trong nhiều tình huống... Về hiện tượng xe bus chạy ẩu, gây tai nạn lãnh đạo Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt cũng rất bức xúc. Thời gian tới Cục sẽ chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm những xe bus vi phạm, lập lại trật tự kỷ cương.
Dù cho cơ quan chủ quản là Tổng Công ty Vận tải Hà Nội có giải thích như thế nào đi nữa thì những hành vi vi phạm đạo đức, nhân cách và văn hoá ứng xử của lái, phụ xe bus thời gian qua vẫn đáng phải phê phán. Người dân mong đợi sự "lột xác" của xe bus. Nhưng mong đợi vẫn chỉ là mong đợi, bởi người quyết định sự chuyển biến ấy không phải là nhân dân mà chính là Tổng Công ty Vận tải Hà Nội.
NGUYỄN ANH TUẤN