Lặng ngắm chiếc máy ảnh không còn nguyên vẹn của nhà báo, liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Đình Dư, anh Bộ chia sẻ: “Chú có suy nghĩ gì khi nhìn tấm ảnh này? Tôi thì thấy đây đúng là một tượng đài bất hủ về nhà báo chiến sĩ. Ba người gặp nhau trên đường ra trận, hai người hy sinh vô cùng lẫm liệt. Một người trở về viết những tác phẩm báo chí có sức lay động to lớn. Đây là một trong những tấm ảnh quý nhất của Báo QĐND. Nếu ta dựng tượng nhà báo chiến sĩ thì cứ lấy tấm ảnh này làm mẫu”.

Nhìn vào đôi mắt anh Đoàn Xuân Bộ, tôi thấy dường như anh đang hình dung về khu vực Vĩnh Linh những năm tháng khói lửa. Giơ chiếc điện thoại chụp lại bức ảnh ba nhà báo tài hoa của Báo QĐND gặp nhau trên đường ra trận, anh nói: “Tôi đã nhiều lần lặng ngắm bức ảnh này. Đây là bức ảnh rất đặc biệt. Ba nhà báo gặp nhau ở chiến trường, quần xắn cao, nụ cười tươi và ánh mắt thăm thẳm, chan chứa niềm tin và khát vọng. Bức ảnh cuối cùng mà chúng ta được nhìn thấy thần thái ung dung của các nhà báo trước giờ đối mặt với quân thù. Báo chúng ta, báo bạn đã viết nhiều về sự hy sinh, tấm gương anh dũng của Anh hùng Lê Đình Dư, nhưng tôi cảm giác còn điều gì đó ta chưa tìm hiểu hết, chưa nói hết. Cần tìm hiểu rõ hơn chuyện gì đã xảy ra? Còn chi tiết nào chúng ta chưa nói đến không? Chuyện về từng người một thì đã rõ, vậy còn chuyện tình bạn của họ giữa đời thường thế nào?...”.    

Tổ phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Bắc Quảng Trị. Từ trái sang, các đồng chí: Nguyễn Đức Toại, Nguyễn Ngọc Nhu, Lê Đình Dư. Trong chuyến công tác này, hai nhà báo Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu đã hy sinh trong trận đánh tại Lâm Xuân Đông, bờ nam sông Bến Hải, năm 1968.

Lời tâm sự, chia sẻ cũng là “mệnh lệnh” của thủ trưởng dành cho phóng viên. Lần giở tư liệu của đồng nghiệp, tôi biết đã có nhiều bài báo, tin tức viết về nhà báo, liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Đình Dư. Vậy làm thế nào để biết còn sót thông tin gì; điều gì các đồng nghiệp chưa kịp tìm hiểu; chi tiết nào chưa được phát hiện? Tôi quyết định sẽ tìm hiểu mọi điều từ những người thân thiết, gần gũi nhất với nhà báo Lê Đình Dư.

tôi vào TP Hồ Chí Minh gặp gỡ người duy nhất còn sống trong bức ảnh để hỏi chuyện-nhà báo Nguyễn Đức Toại, nhưng ở tuổi ngoài 90, trí nhớ của ông không còn tốt nữa. May mắn cho tôi là vợ ông, bà Đặng Thị Minh Đức, lại nhớ như in từng chi tiết. Đáng trân quý hơn, bà còn cất giữ nhiều tư liệu về những đồng nghiệp, đồng đội của chồng.

Trong số tư liệu ấy, tôi tìm được bài báo của tác giả Hoàng Sách, người cùng chiến đấu với Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Thà (Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, Bộ tư lệnh B5-đơn vị nhà báo Lê Đình Dư đến tác nghiệp). Bài viết mô tả chi tiết quá trình nhà báo Lê Đình Dư từ khi nhận nhiệm vụ ở Bộ tư lệnh mặt trận phía đông cho tới lúc xin theo đội hình chiến đấu của đơn vị để tác nghiệp tại Cửa Việt (làng Lâm Xuân Đông, xã Gio Hà, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, tháng 1-1968). Trong bài viết “Nhớ về một nhà báo-liệt sĩ”, tác giả Hoàng Sách khi gặp nhà báo Hồ Thừa-bút danh của nhà báo Lê Đình Dư (ghép họ Hồ của vợ với tỉnh Thừa Thiên-Huế, quê ông-PV) đã bày tỏ khâm phục: “Khi còn ở Hà Nội, tôi được đọc nhiều bài phóng sự của Hồ Thừa đăng trên Báo QĐND, nhất là những bài về Khe Sanh, về thung lũng Ia Đrăng. Chỉ đọc những bài báo đó, tôi có thể hình dung ra con người anh. Bây giờ anh đang đứng trước mặt tôi, khuôn mặt xương xương, vầng trán cao và đôi mắt sáng. Ngay từ phút đầu gặp mặt, chúng tôi đã có thiện cảm với nhau”.

Thiện cảm của một người dày dạn trận mạc như tác giả Hoàng Sách và sau này là Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Thà hay của tất cả chiến sĩ ở các đại đội trong tiểu đoàn dành cho nhà báo Lê Đình Dư còn tăng lên rất nhiều sau khi họ chứng kiến tinh thần không ngại gian khổ, hy sinh, bám sát chiến trường và phong cách làm việc chững chạc, am tường về quân sự nhưng cũng rất nhân văn của ông. Có lẽ chính những kiến thức toàn diện ông học được trước khi trở thành phóng viên Báo QĐND vào năm 1962, như việc từng được quân đội cử đi học phi công; công tác tại đơn vị pháo cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; sau đó còn được đào tạo chỉ huy phóng lôi hải quân... đã rèn nên bản lĩnh, tri thức và tác phong của nhà báo chiến sĩ tài hoa Lê Đình Dư. Không chỉ có những bài viết sắc sảo, những nhận định đánh giá sắc bén, ông còn là một dịch giả với những dòng thơ dịch của Tagore rất hay... tặng người yêu, sau này là vợ ông-bà Hồ Thị Kim.

Trở lại với những trận chốt chặn địch đầy cam go vào đầu năm 1968 của Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, nơi nhà báo Lê Đình Dư tác nghiệp. Trong những ngày chốt chặn địch tại đây, theo lời kể của Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Thà và tác giả Hoàng Sách thì nhà báo Lê Đình Dư luôn thể hiện rõ ý chí, bản lĩnh của một nhà báo chiến sĩ khi không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh. Ông thoăn thoắt di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác; tay bút, tay sổ, tay máy ảnh... xông pha khắp chiến hào, hỏi han, quan sát, rồi ghi chép, chụp ảnh... mặc cho dưới sông thủy lôi nổ, trên bờ pháo bắn, tiếng xe cơ giới gầm rú, tiếng quân địch hò nhau xông lên... mỗi lúc một đông. Ban đầu là một.. rồi hai... rồi ba sư đoàn địch bao vây trận địa. Tình thế nguy cấp, nhiều lần chỉ huy Trần Văn Thà yêu cầu nhà báo Lê Đình Dư về hầm trú ẩn nhưng ông lại chọn những nơi bom đạn ác liệt nhất mà đi tới để lấy tư liệu, chụp ảnh, với mong muốn “chạm” được cái hồn, thấy rõ cái bên trong những điều mà mình muốn viết.

Khi bom đạn ác liệt nhất, ranh giới giữa sự sống-cái chết cận kề, ông đã không màng tới an toàn của bản thân. Giữa trùng trùng bom đạn, hình ảnh nhà báo Lê Đình Dư tỏa sáng với câu nói trở thành biểu tượng bất hủ của tinh thần nhà báo chiến sĩ: “Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn. Còn phóng viên chúng tôi lúc này chỉ có thể đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là cây bút và máy ảnh để ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù”. Hành động quả cảm, câu nói khảng khái, hào hùng của nhà báo Lê Đình Dư như lời hiệu triệu cán bộ, chiến sĩ, khiến nhiều người trong đơn vị trong phút giây dao động muốn rút lui đã bừng tỉnh, họ như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, quyết tâm ở lại với ý chí chiến đấu mạnh mẽ hơn trước. Toàn mặt trận đã chốt chặn địch trong 108 ngày, giành toàn thắng.

Ngày 29-4-2015, 47 năm sau ngày nhà báo, liệt sĩ Lê Đình Dư hy sinh (21-1-1968), Đảng và Nhà nước đã truy tặng Thượng úy, nhà báo, liệt sĩ Lê Đình Dư danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Anh dũng là thế, hết lòng vì tờ báo, vì bạn đọc như vậy, còn trong cuộc sống đời thường, nhà báo Lê Đình Dư vô cùng tình cảm với vợ, với con; chí tình với đồng đội. Nhớ về người đồng đội của chồng, bà Đặng Thị Minh Đức bồi hồi kể: “Năm 1962, tôi đi nghĩa vụ quân sự, được phân công làm cấp dưỡng tại Báo QĐND, công tác trong 6 tháng. Tôi gặp nhà báo Lê Đình Dư, Nguyễn Ngọc Nhu và nhiều nhà báo khác còn rất trẻ, vui tính, hay đùa tếu. Cứ mỗi ngày chủ nhật được nghỉ, tôi lại cùng ông Dư, ông Nhu tới khu Nam Đồng thăm đồng nghiệp. Ông Nhu và ông Dư giỏi viết báo, làm thơ và đều có tính cách phóng khoáng, thân thiện. Ông Dư và ông Nhu nói rất to, hai ông mà nói chuyện trên tầng 3 thì dưới đất cũng nghe thấy... Khi biết tin nhà báo Lê Đình Dư và nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu hy sinh, vợ chồng tôi và cả khu tập thể tòa soạn ở số 8 Lý Nam Đế bàng hoàng, hụt hẫng suốt nhiều ngày”.

Nhớ về những ngày ấy, nhà báo Hồng Phương cùng công tác với hai nhà báo Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu tâm sự: “Đúng dịp Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi cùng lúc nhận được tin anh Nguyễn Ngọc Nhu và anh Lê Đình Dư hy sinh. Cả tòa soạn như ngừng thở. Hai cây bút tài hoa, hai cuộc đời say nghề, yêu đời của Báo QĐND không còn nữa...”. Nhà báo Hồng Phương kể thêm, đêm trước ngày lên đường ra mặt trận, anh Nguyễn Ngọc Nhu và Lê Đình Dư cùng nhà báo Kim Đồng ngồi uống trà, nhâm nhi kẹo lạc và bàn rất nhiều về chuyện viết lách ở chiến trường. Lê Đình Dư thì bàn về cách tác nghiệp ra sao, làm sao lấy được tin nhiều nhất khi đi theo bộ đội; làm thế nào để có được những tư liệu quý thổi hồn vào các tác phẩm... Rồi chuyện ông nhớ quê, muốn được theo chân các đoàn quân để về Huế... Nhưng ước mơ thăm quê đã không thành.

Đó không phải lần đầu tiên hay lần cuối cùng nhà báo Hồng Phương và những người đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp ở tòa soạn Báo QĐND đón tin dữ. Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều nhà báo tài hoa  của báo đã anh dũng ngã xuống trên các chiến trường. Máu của các anh đã thấm ướt những cuốn sổ ghi chép, cây bút, máy ảnh để viết nên những tin, bài ghi lại lòng quả cảm, tinh thần vượt khó, ý chí sắt đá và niềm tin chiến thắng của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, biết bao đơn vị, người dân mọi miền Tổ quốc; những tấm gương xả thân chiến đấu vì độc lập, tự do cũng như tố cáo tội ác của quân thù. Đúng như lời kết trong tác phẩm “Nhớ về một nhà báo-liệt sĩ” của tác giả Hoàng Sách: “Hôm ấy đơn vị pháo binh tầm xa chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Chúng tôi mừng vì thắng lợi nhưng ai cũng cảm thấy đau đớn là đã mất Hồ Thừa-một nhà báo, một chiến sĩ”.

Nhà báo, liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Đình Dư đã đi xa, nhưng vẫn còn đó những vần thơ ông viết vội trên đường hành quân rồi gửi nhà báo Nguyễn Đức Toại mang về cho con gái Lê Hồ Hương: Mẹ cười con cũng cười theo/ Đời vui lại sáng thêm nhiều niềm vui/ Từ ngoài tiền tuyến xa xôi/ Nghe trong bom đạn tiếng cười của con. Với chị Lê Hồ Hương, người cha kính yêu của chị còn mãi như chưa từng đi xa... Còn với chúng tôi, thế hệ đang nối tiếp truyền thống 70 năm của tờ báo hai lần anh hùng, hình ảnh, tư thế, lời nói và hành động của nhà báo, liệt sĩ, Anh hùng Lê Đình Dư mãi mãi là ngọn đuốc soi đường trên hành trình nghề báo.

NGUYỄN HÒA