Sự ẩm thấp, tăm tối, nhếch nhác, chật chội của nhà thuốc là hiện tượng phổ biến trên thị trường bán lẻ thuốc chữa bệnh ở nước ta. Nhiều nhà thuốc không đủ diện tích vẫn được cấp phép hành nghề, phòng khám tư nhân cũng bán thuốc... Đã đến lúc ngành y tế cần phải lập lại trật tự và quản lý chặt chẽ hệ thống nhà thuốc bán lẻ theo tiêu chuẩn GPP, vì quyền lợi và sức khỏe nhân dân.
Phần lớn nhà thuốc, quầy thuốc chưa đạt yêu cầu
Cả nước hiện nay có gần 39.016 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 9.454 nhà thuốc, 8.190 quầy thuốc, 12.878 đại lý thuốc và 8.494 tủ thuốc trạm y tế. Trong đó, số cơ sở bán lẻ đạt tiêu chuẩn GPP (Good Pharmacy Practies) có nghĩa là “Thực hành tốt quản lý nhà thuốc” ở nước ta hiện mới chỉ chiếm số lượng rất thấp (78 nhà thuốc) tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, còn lại đa số nhà thuốc đều chưa đạt tiêu chuẩn. Điều này báo động những bất cập lớn trên thị trường thuốc bán lẻ nước ta. Đồng thời, để hoàn thành mục tiêu đặt ra theo Luật Dược (01-10-2005) và Nghị định 79/2006/NĐ-CP rằng tất cả các nhà thuốc trên cả nước phải đạt tiêu chuẩn GPP vào năm 2011 là việc vô cùng khó khăn.
 |
Tình trạng nhà thuốc, quầy thuốc chật hẹp, thiếu ánh sáng… tồn tại phổ biến ở nước ta. (Ảnh chụp tại phố Nghĩa Tân-Cầu Giấy-Hà Nội). |
Theo báo cáo của ngành y tế, điểm bất cập hiện nay là đa số các nhà thuốc bán thuốc một cách tự do, không chỉ dẫn, không có đơn bác sĩ, ai mua cũng được, mua loại gì cũng được, càng nhiều càng tốt, kể cả những loại thuốc bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ. Nguồn thuốc cung ứng không được kiểm soát, chất lượng kém, thuốc giả, thuốc hết hạn sử dụng vẫn bán; giá cả thả nổi. Dược sĩ đại học thường xuyên vắng mặt tại nhà thuốc, phó mặc việc tư vấn sử dụng thuốc cho các dược sĩ trung học và dược tá, thậm chí cả những người không có chút chuyên môn về dược, và có tình trạng cho thuê bằng dược sĩ đại học. Không có tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc cho người mua, đôi khi còn lạm dụng thuốc kháng sinh, chỉ định không phù hợp... Nhiều nhà thuốc có điều kiện cơ sở vật chất sơ sài tạm bợ không bảo đảm vệ sinh môi trường, quầy thuốc đều không đảm bảo; diện tích chật chội, nhiệt độ, độ ẩm không bảo đảm và thiếu thiết bị bảo quản thuốc...
Bên cạnh đó, việc kê đơn, bán thuốc ở các khu vực y tế tư nhân cũng nhiều điều nhức nhối. Phổ biến là tình trạng bác sĩ vừa kê đơn vừa bán thuốc. Thuốc không có nhãn, bao bì gốc, giá bất hợp lý, đơn thuốc thiếu thông tin, kê đơn thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chống chỉ định, kê đơn thuốc không có trên thị trường hay là lạm dụng thuốc và đặc biệt là rất nhiều bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân không có hướng dẫn đầy đủ, viết chữ rất khó đọc chỉ có những nhà thuốc quen của bác sĩ mới đọc được đơn thuốc... Điều này dẫn đến thực trạng người dân dù đã phải mua thuốc với giá cao nhưng vẫn phải đứng trước nguy cơ sử dụng thuốc sai mục đích, không hiệu quả, thậm chí nguy hại cho sức khỏe, tính mạng vì không được tư vấn, cung cấp đầy đủ thông tin về thuốc.
Cần nhân rộng mô hình nhà thuốc GPP
GPP là tiêu chuẩn cuối cùng trong 5 tiêu chuẩn thực hành tốt (GPs) trong quy trình đảm bảo chất lượng thuốc-từ khâu sản xuất thuốc, kiểm tra chất lượng, tồn trữ bảo quản lưu thông phân phối, bán lẻ thuốc đến tay người bệnh. Để đạt tiêu chuẩn GPP thì các nhà thuốc cần phải có những điều kiện như: diện tích tối thiểu là 10m2, bảo đảm nhiệt độ bảo quản thuốc dưới 30oC và các thiết bị bảo quản theo yêu cầu. Có nhiệt kế, ẩm kế theo dõi nhiệt độ, độ ẩm. Bố trí các khu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế, khu ra lẻ thuốc với dụng cụ bao bì thích hợp và khu tư vấn, trao đổi thông tin... Hồ sơ sổ sách tài liệu rõ ràng bảo đảm việc mua thuốc và kiểm soát chất lượng; bán thuốc kê đơn; bán thuốc không kê đơn; theo dõi chất lượng thuốc, giải quyết đối với thuốc bị khiếu nại hoặc thu hồi. Ngoài ra, các nhà thuốc này phải có dược sĩ đại học có chứng chỉ hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn, và quan trọng hơn là dược sĩ đại học phải thường xuyên có mặt tại nhà thuốc... Các điều kiện này không hề đơn giản đối với các nhà thuốc. Bởi thực tế, số lượng dược sĩ có bằng đại học ở nước ta hiện nay quá ít so với số cơ sở bán lẻ thuốc trên thị trường. Do đó rất khó tìm được dược sĩ đồng ý thực sự hành nghề tại nhà thuốc. Về mặt bằng xây dựng cơ sở nhà thuốc đạt tiêu chuẩn cũng khó khăn... Hơn nữa, tâm lý người dân thường ngại mua thuốc ở nhà thuốc mới và chưa có thói quen mua thuốc theo đơn cũng gây trở ngại cho các nhà thuốc thay đổi...
Nhằm tháo gỡ khó khăn và khuyến khích các nhà thuốc đầu tư nâng cấp đạt chuẩn, Thứ trưởng Cao Minh Quang cho biết, Bộ Y tế và các sở y tế đã và đang xem xét để triển khai các giải pháp hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà thuốc GPP như: tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích và sẵn sàng tiếp cận với các nhà thuốc này; hỗ trợ các hoạt động quảng bá, tiếp thị; tổ chức tập huấn, đào tạo cho doanh nghiệp, chủ nhà thuốc; ưu tiên thời gian thẩm định, cấp phép cho nhà thuốc GPP hoạt động và sẽ đề xuất với một số bộ ngành khác để có một số chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và thanh toán bảo hiểm y tế.
Về lâu dài, cũng sẽ xem xét quy định một dược sĩ đại học bảo đảm chất lượng cho toàn bộ hệ thống nhà thuốc GPP; có lộ trình thích hợp để nhà thuốc GPP được kinh doanh tất cả các loại thuốc (thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thuốc hiếm) còn nhà thuốc không đạt GPP chỉ được bán thuốc thông thường; doanh nghiệp được nhập khẩu trực tiếp thuốc để cung ứng cho toàn bộ nhà thuốc GPP trong cả nước... Thực hiện nghiêm quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn, thực hành tốt kê đơn thuốc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phấn đấu chấm dứt tình trạng bác sĩ vừa kê đơn, vừa bán thuốc. Bộ Y tế không cấm các phòng khám tư nhân bán thuốc nhưng sẽ sắp xếp lại và quản lý việc y bác sĩ phải bán thuốc đúng quy định của pháp luật, đúng tiêu chuẩn... Thực hành tốt nhà thuốc cũng nhằm mục đích cuối cùng là sử dụng thuốc chất lượng hiệu quả và an toàn đối với người bệnh.
Bài và ảnh: HÀ THANH MINH