Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đội hình của bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn, kỹ sư Hồ Sỹ Hậu từng được gặp và làm việc dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (tên thật là Nguyễn Hữu Vũ), quê ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).

Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Mặc dù không phải là tư lệnh đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn, nhưng ông là người chỉ huy có thời gian gắn bó lâu nhất (1967-1975) và có nhiều đóng góp to lớn với con đường lịch sử trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng như những năm đất nước bước vào công cuộc đổi mới.

Các đại biểu dự Lễ khánh thành và trao tặng tượng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ngày 10-12-2020.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng quân đội, thanh niên xung phong “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hình thành tuyến đường huyết mạch chiến lược để chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, kể: “Tôi chính thức vào Trường Sơn từ tháng 11-1968, từ đó tham gia thi công đường ống trên Trường Sơn cho đến hết chiến tranh. Ngoài những lần “diện kiến” thủ trưởng Đồng Sỹ Nguyên trong các hội nghị, sự kiện; tôi còn được các đồng chí chỉ huy trực tiếp kể lại nhiều kỷ niệm ấn tượng khi làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên”.

Kỹ sư Hồ Sỹ Hậu cũng như nhiều người từng sống, công tác và chiến đấu trên tuyến Đường Hồ Chí Minh chưa bao giờ quên vị chỉ huy tài năng của mình. Những năm đồng chí Đồng Sỹ Nguyên còn sống, đồng đội và bạn bè thường xuyên đến gia đình ông, thăm hỏi, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời chiến đấu trên tuyến lửa, nhất là dịp lễ, tết hay mừng thọ ông, mừng Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Năm 2018, trong một lần như thế, Anh hùng lái xe Trường Sơn Phan Văn Quý (nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Bình Dương) đã đề xuất ý tưởng đúc một bức tượng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Được sự đồng ý của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên và gia đình, Anh hùng Phan Văn Quý nhanh chóng cùng các cộng sự bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng này với mong muốn để thế hệ mai sau luôn ghi nhớ về tên, tuổi và công lao to lớn của một vị tướng.

Sau một năm triển khai, với sự thống nhất cao của một số cán bộ cao cấp Bộ đội Trường Sơn, cùng gia đình cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, bức tượng bằng đồng nguyên chất, kích thước 2,1m x 1,5m x 0,5m, nặng 500kg, do nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nguyên Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) thực hiện đã hoàn thành. Theo ông Nguyễn Phú Cường (là thương binh, từng chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 2, Quân khu 5) thì từ những lần được gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trước đây, qua tư liệu, hình ảnh do gia đình, đồng đội cung cấp, ông đã dần hình thành ý tưởng điêu khắc cho bức tượng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và lấy tên là “Thực địa chiến trường”.  

“Thực địa chiến trường” ban đầu được đặt tại tư gia của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Nhưng theo như chia sẻ của ông Nguyễn Sỹ Hưng-con trai cả của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, thể theo nguyện vọng khi còn sống của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là muốn được về bên đồng đội, trung tuần tháng 12 vừa qua, với sự đồng thuận của Bộ tư lệnh Binh đoàn 12, bức tượng đã được trao tặng Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh-nơi lưu giữ những hiện vật, tư liệu quý về con đường Trường Sơn huyền thoại.

Tại lễ khánh thành, thay mặt ban tổ chức, ông Phan Văn Quý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Bình Dương phát biểu: “Chúng tôi hy vọng việc trưng bày bức tượng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và du khách khi đến với bảo tàng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng và nhớ về một vị tướng tiêu biểu”.

Được biết, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ hơn 15.000 hiện vật gốc về quá trình hình thành, chiến đấu, xây dựng, phát triển của Đoàn 559 trước kia, Binh đoàn 12 ngày nay. Hằng năm, bảo tàng đón khoảng 25.000 lượt khách đến tham quan và học tập. Trong khuôn viên rộng 20.000m2, bảo tàng đã dành một khu vực trang trọng đặt đài tưởng niệm cùng những tấm bia đá khắc tên của hơn 20.000 anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến.

Trung tá Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh cho biết: “Bức tượng “Thực địa chiến trường” được đặt ngay tại phòng khánh tiết của bảo tàng. Sắp tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện thông tin, sớm bổ sung phần giới thiệu về tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong chương trình giới thiệu chung về bảo tàng. Điều này không chỉ thỏa lòng mong đợi của các cựu chiến binh Trường Sơn mà còn cả của chúng tôi, thế hệ nối dài truyền thống của đơn vị hôm nay”.

Bài và ảnh: BÍCH TRANG