Hậu Giang là tỉnh mới thành lập sau khi tỉnh Cần Thơ (cũ) chia tách để thành lập hai đơn vị hành chính là tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Hơn 4 năm qua, từ một tỉnh mới thành lập trăm bề khó khăn so với các tỉnh khác trong vùng, Hậu Giang nay đã mở tốc lực và đạt hiệu quả cao trong xây dựng cơ sở hạ tầng cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Thực tế ở đây cho thấy nhiều vấn đề mới trong giải phóng mặt bằng và ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông.
I- Đền bù, giải phóng mặt bằng: Đối thoại với dân, không có điểm nóng
Năm 2007 vừa qua, toàn tỉnh đã thu hồi 1.071ha đất với 6.948 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó hộ đủ điều kiện tái định cư đã được phê duyệt là 2.079 hộ (tái định cư tập trung 715 hộ, phân tán 1.382 hộ). Hiện nay đã có 547 hộ được nhận lô nền tái định cư tập trung còn lại 166 hộ giải quyết kinh phí để thuê nhà tạm.
Bảo đảm thỏa đáng quyền lợi người dân
Đồng chí Nguyễn Phong Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nói rằng, xây dựng bất cứ công trình nào cũng cần có mặt bằng. Không làm tốt khâu giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công xây dựng thì sẽ nảy sinh nhiều ách tắc. Vì thế, tỉnh Hậu Giang rất quan tâm đến bài toán giải phóng mặt bằng. Bằng nhiều hình thức khác nhau tỉnh đã huy động gần 700 tỉ đồng phục vụ công tác bồi thường thiệt hại - giải phóng mặt bằng (BTTH-GPMB). Hàng loạt các dự án, các công trình trọng điểm được giao đất đúng tiến độ.
 |
Công trình xây dựng tuyến bờ kè dài 10km trên kênh Xà No để chống sạt lở và chỉnh trang đô thị Vị Thanh. |
Tỉnh cũng đã khuyến khích người dân nhận tái định cư phân tán, tự chọn mua đất ở nơi khác để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, giá đất ngày càng tăng, một số hộ dân quay lại yêu cầu tái định cư tập trung. Việc đẩy nhanh xây dựng các khu tái định cư tập trung, bố trí nền cho các hộ dân bị giải tỏa là vấn đề bức thiết hiện nay.
Tỉnh đã thành lập các ban chỉ đạo và các hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của nhiều dự án. Thành lập tổ giải quyết khiếu nại tại dự án, tăng cường bổ sung lực lượng chuyên trách làm công tác GPMB ở tỉnh và huyện.Công khai hóa đối với công tác kiểm kê, áp giá, áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư là yếu tố quyết định thành - bại của công tác GPMB. Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức được hơn 220 cuộc họp dân công khai 169 phương án chi tiết bồi thường trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt, tạo điều kiện cho người dân trong vùng dự án nắm vững phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của gia đình và cá nhân mình để tham gia các hoạt động kiểm tra, giám sát. Qua đó đã góp phần không nhỏ trong công việc chống tiêu cực, tham nhũng, sai sót trong công tác kiểm kê áp giá bồi thường. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng ban BTTH-GPMB tỉnh, cho biết: “Các dự án GPMB đều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nên phải gần dân, đối thoại với dân, nắm được tâm tư nguyện vọng của dân thì công tác giải phóng mặt bằng mới thành công được”.
UBND tỉnh còn thành lập đoàn giải quyết khiếu nại tại chỗ đối với các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án. Trong năm đã tiếp nhận 685 đơn yêu cầu, thắc mắc, khiếu nại của công dân. Phần lớn những yêu cầu, thắc mắc của dân đều được giải quyết ngay tại địa bàn dự án, thông qua việc đối thoại trực tiếp với người dân. Đây là điểm mới trong công tác giải phóng mặt bằng năm 2007, qua đó vừa kịp thời xử lý nhanh công việc và không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, hoặc tạo thành điểm nóng, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trong tỉnh.
Quan tâm xây dựng các khu tái định cư
Năm 2008, công tác GPMB vẫn tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, nhất là đối với các dự án phục vụ phát triển công nghiệp và các dự án phục vụ phát triển hạ tầng giao thông... Ông Võ Trọng Hữu, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành đưa ra giải pháp: “Cần nhanh chóng tập trung xây dựng các khu tái định cư để giúp công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi hơn. Việc quản lý quy hoạch cũng phải chặt chẽ, tránh trường hợp xây cất sai phép, trái phép tràn lan...”. Những năm tới, Hậu Giang vẫn phải cần khối lượng mặt bằng lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện nhiều dự án công nghiệp, dự án kinh tế khác.
Một trong những vướng mắc thường xuyên của công tác giải phóng mặt bằng là không giải quyết được nhanh chóng, kịp thời việc bố trí tái định cư cho người dân khi phải di dời. Có nhiều dự án được thực hiện, đòi hỏi phải giải tỏa một số lượng lớn các hộ dân, nhưng khu tái định cư thì chưa có, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Có nơi bà con không chịu nhận tái định cư phân tán mà xin chuyển qua tái định cư tập trung làm cho áp lực xây dựng khu tái định cư tập trung ngày càng tăng.
Thông thường, ở vị trí quy hoạch thực hiện dự án khu tái định cư dành để giải quyết tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng giải tỏa không được xây dựng trước mà được thực hiện cùng thời gian triển khai dự án. Chính điều đó đã tạo nên sự nhập nhằng, chồng chéo trong quá trình giải phóng mặt bằng. Bởi làm phát sinh thêm nhu cầu tái định cư của chính các hộ tại khu vực giải tỏa để làm khu tái định cư là điều không thể tránh khỏi.
Tổng số hộ dân đủ điều kiện tái định cư ở cả cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A và khu công nghiệp Sông Hậu đến thời điểm này là 642 hộ, trong đó có 302 hộ được xét tái định cư tập trung và 226 hộ tái định cư phân tán. Tại khu tái định cư Sông Hậu đợt 1, giai đoạn 1, xã Đông Phú, huyện Châu Thành có tổng diện tích quy hoạch được duyệt là 13,94ha và có tổng số 92 hộ chịu ảnh hưởng. Đến nay, vẫn còn 25 hộ dân có quyết định phê duyệt, nhưng chưa nhận được tiền. Có khả năng sẽ còn phải kéo dài do còn tính lại chỉ số trượt giá về nhà ở, vật kiến trúc khi người dân khiếu nại trong tình hình tăng giá. Một số ít trường hợp có thái độ kỳ kèo, không chấp hành chủ trương của nhà nước, thì vin vào lý do chưa bố trí được vị trí tái định cư, cũng không chịu bàn giao mặt bằng. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã đến từng hộ thuyết phục, giúp thêm cách tháo gỡ để bà con yên tâm di dời và chủ động tái định cư.
(
Còn nữa)
Kỳ sau: Dân đóng góp làm cầu đường
Bài, ảnh: Hoàng Mai, Chu Mã Giang