QĐND - Xứ Lạng ngày nay không chỉ có “Phố Kỳ Lừa”, “Nàng Tô Thị”, “Chùa Tam Thanh” mà còn có rất nhiều danh lam, thắng cảnh và điểm đến hấp dẫn, nhưng quan trọng hơn cả là sự thân thương, chân thành của con người xứ Lạng. Cô bạn đồng nghiệp của tôi ở Báo Lạng Sơn đã khẳng định với chúng tôi như vậy.

Trở lại xứ Lạng vào những ngày tháng Tám lịch sử này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của mảnh đất địa đầu Tổ quốc, nơi có rất nhiều địa danh gắn với cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những con đường mới được nâng cấp rộng thênh thang, những ngôi nhà cao ngất, những công viên rực rỡ đầy hoa… đã tạo ra điểm nhấn kiến trúc hiện đại của thành phố trẻ Lạng Sơn bên dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng. Các cửa khẩu quốc tế và quốc gia trên đất Lạng Sơn đều sôi động, đặc biệt là cửa khẩu Tân Thanh luôn tấp nập những thương nhân kèm theo đó là những lô hàng xuất, nhập khẩu. Các vùng đất trống, đồi núi trọc trước kia ở Chi Lăng, Bắc Sơn, Tràng Định… nay xanh ngút ngàn bởi na dai, hồng không hạt. Các địa danh lịch sử và cách mạng như Ải Chi Lăng, Thành Nhà Mạc, Bắc Sơn, Chi Ma, Đồng Đăng, Mỏ Tát, Mỏ Nhài, Vũ Lăng, Thụy Hùng… luôn được gìn giữ và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Nông thôn Lạng Sơn thay đổi từng ngày.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lạng Sơn, 6 tháng đầu năm 2013, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế Lạng Sơn vẫn tiếp tục tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp ổn định và có bước phát triển, sản xuất công nghiệp đang dần phục hồi; thương mại, dịch vụ và du lịch tiếp tục tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; kết quả thu ngân sách trên địa bàn tăng so với cùng kỳ năm trước; văn hóa-xã hội tiếp tục có bước tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ổn định và từng bước cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, Lạng Sơn phấn đấu duy trì nhịp độ phát triển kinh tế cao và bền vững, cải thiện và tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn, phát triển công nghiệp và dịch vụ, tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, đồng thời nâng cao hiệu lực và hiệu quả huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Lạng Sơn đã xây dựng mục tiêu phấn đấu năm 2014 đạt tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) tăng từ 10% trở lên so với năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương tăng từ 14 đến 15% so với năm 2013; giải quyết thêm 12.500 người có việc làm mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 3%, trồng mới 9.500ha rừng…

Cùng đồng nghiệp ở Hội Nhà báo Lạng Sơn đến thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn xứ Lạng, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những nụ cười thân thương, những ánh mắt mến khách đặc trưng của con người xứ Lạng. Thế nhưng, cả chủ và khách vẫn không khỏi băn khoăn, day dứt trước những dự án phát triển kinh tế chậm được triển khai, đặc biệt là các dự án xây dựng thủy điện trên sông Kỳ Cùng có nguy cơ trở thành phế tích. Khu di tích Thành Nhà Mạc được trùng tu chắp vá với việc bổ sung thêm vật liệu mới là xi măng thô vụng có thể làm hỏng cả di tích này. Khu du lịch Mẫu Sơn với rất nhiều lợi thế nhưng lại vô cùng buồn tẻ…

So với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Lạng Sơn có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội. Lạng Sơn nằm trong quy hoạch phát triển tuyến hành lang kinh tế: Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng. Lạng Sơn có hệ thống giao thông thuận lợi. Từ thủ đô Hà Nội, sau gần ba giờ, du khách đã có thể có mặt ở thành phố Lạng Sơn nếu đi bằng ô tô hoặc xe lửa. Lạng Sơn có đường biên giới chung với Trung Quốc khá dài với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ biên giới tạo điều kiện cho Lạng Sơn có thể trở thành điểm giao lưu, trung tâm buôn bán thương mại quan trọng của cả nước với Trung Quốc, sau đó sang các nước Trung Á, châu Âu. Thiên nhiên đã ban tặng cho Lạng Sơn nhiều hang động, núi rừng tự nhiên và phong cảnh đẹp với khí hậu mùa hè mát mẻ, dễ chịu, được coi là một điểm nghỉ mát, an dưỡng lý tưởng đối với các du khách từ xa đến như động Tam Thanh, động Nhị Thanh, núi nàng Tô Thị… Đặc biệt là khu du lịch Mẫu Sơn vào ngày nóng nhất của mùa hè vẫn mát mẻ như mùa thu Hà Nội. Lạng Sơn còn có nhiều đặc sản nổi tiếng mà cả nước biết đến như vịt quay, rau cải ngồng, na dai, hồng không hạt, măng ngâm mác mật, phở Lộc Bình… Lạng Sơn còn chứa đựng tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến rau quả…

Tuy nhiên, tiềm năng thế mạnh nói trên của Lạng Sơn chỉ được đánh thức khi những con người thân thương của xứ Lạng vào cuộc thực sự với sự động viên, giúp sức của quân dân cả nước.

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ