QĐND Online - Hơn 30 người chết vì tai nạn lao động ở các cơ sở khai thác đá trong vòng một tháng qua đã khiến Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội gửi điện khẩn tới 50 tỉnh thành có khai thác đá yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để ổn định sản xuất.

Thực hiện nghiêm túc công điện đó, mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình đã trực tiếp xuống kiểm tra các cơ sở sản xuất, khai thác đá, khoáng sản trên địa bàn 2 huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn. Thực trạng mất an toàn lao động và nguy cơ cháy nổ từ những công ty này đặt ra trách nhiệm nặng nề với nhiều ban ngành chức năng trong tỉnh khi Hoà Bình hiện có tới 60 công ty khai thác đá, khoáng sản.

Một điểm khai thác đá (ảnh minh họa)

Còn nhớ, năm 2005, vụ nổ khí mê-tan tại mỏ than Đồi Hoa, Lạc Thuỷ làm chết 6 người. Năm 2006, hai vụ tai nạn trong khi khai thác đá tại huyện Lương Sơn đã khiến hai người thiệt mạng. Tai nạn lao động ở mỏ đá Cao Dương huyện Kim Bôi cũng khiến một người thiệt mạng. Bên cạnh sự ô nhiễm không khí, tiếng ồn mà người lao động tại các mỏ đá đang phải gánh chịu hàng ngày; nguy cơ cháy nổ từ việc sử dụng kíp, mìn nổ cũng là vấn đề khiến các chủ doanh nghiệp lo lắng. Vụ nổ mìn do mâu thuẫn giữa hai nhóm thanh niên xảy ra ngày 19-5-2007 trên địa bàn huyện Kỳ Sơn là bài học cảnh giác đối với các chủ khai thác đá do quản lý lỏng lẻo đã để công nhân bớt kíp mìn tuồn ra ngoài. Thực tế cho thấy, kíp và thuốc nổ trong quá trình vận chuyển ra nơi khai thác, do không giám sát chặt nên rất dễ bị công nhân bớt lại để bán ra bên ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động tại các khu khai thác đá, khoảng sản: phần lớn công nhân làm việc trên độ cao nguy hiểm, trang thiết bị bảo hộ lao động thiếu… Tất cả xuất phát từ một lý do vốn đã cũ là các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề này chưa chú ý và quan tâm đến an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Với lực lượng lao động thời vụ, làm việc trong môi trường độc hại do bụi đá và tiếng ồn, không có bảo hiểm xã hội, không có mũ, găng tay và quần áo bảo hộ nhưng do nhu cầu cuộc sống, nhiều người nông dân vẫn “nhắm mắt đưa chân” để kiếm vài chục nghìn mỗi ngày. Còn các chủ kinh doanh, nếu có xảy ra tai nạn với những lao động không có bảo hiểm, hoặc bị xử phạt hành chính thì mức xử phạt cũng chỉ mang tính “răn đe”. Ông Lương Bá Khiêm-Chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hoà Bình cho biết: “Ban chỉ đạo tuần lễ an toàn lao động đã tổ chức đoàn kiểm tra cơ sở khai thác đá vào tháng 4, tháng 5-2007 với khoảng 40 đơn vị và đã đưa ra 200 kiến nghị, thiếu sót, tồn tại. Rất nhiều sai phạm đã được chỉ ra trong đó có vấn đề công nhân không được khám sức khoẻ định kỳ. Việc kiểm tra sức khoẻ rất quan trọng vì làm việc trên độ cao 50, 70m; những người không đảm bảo sức khoẻ dễ bị tai nạn lao động hơn nữa môi trường làm việc ồn và bụi vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Hợp đồng lao động, các công ty không ký hoặc ký thời vụ, không có bảo hiểm xã hội nên khi xảy ra tai nạn lao động quyền lợi của người dân không được đảm bảo”.

Có nhiều ý kiến cho rằng chế tài xử phạt đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn lao động hiện nay vẫn còn nhẹ. Điều 32 của nghị định 113 về xử phạt các vi phạm pháp luật lao động yêu cầu doanh nghiệp bị xử lý phải bị đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Khi doanh nghiệp bị dư luận lên án sẽ ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển. Với những cơ sở khai thác đá, khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ và nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động cao, các chủ doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Nhưng trước thực tế nhiều cơ sở vẫn thực hiện nhiệm vụ này một cách đối phó, người lao động cần phải có ý thức tự bảo vệ mình chứ không thể phó mặc, ỷ nại hay trông chờ vào lương tâm nghề nghiệp cũng như trách nhiệm của các chủ doanh nhiệp như hiện nay.

Lê Dung