Cao to, nhanh nhẹn, yêu thích thể thao, từng giành huy chương vàng quốc gia bộ môn võ cổ truyền và Vovinam đối kháng, trước ngày nhập ngũ, Binh nhì Trịnh Ái Kiệt (24 tuổi, trú tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là gương mặt sáng giá trong làng thể thao tỉnh nhà, được nhiều người biết đến. Tối đầu tiên về đơn vị, được Thượng úy Phan Tiến Vĩnh, Chính trị viên Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới cho mượn điện thoại gọi về thăm gia đình, Trịnh Ái Kiệt phấn khởi “khoe”: “Con ở trên này vui lắm, anh em, đồng đội rất thân thiện, hòa đồng. Ngoài bãi xà, bãi tạ, đơn vị còn có cả hồ bơi và phòng tập gym với đầy đủ tiện nghi, trang bị để con luyện tập. Ba mẹ ở nhà cứ yên tâm và nhớ giữ gìn sức khỏe nha”. Xem cán bộ, chỉ huy cấp trên như những người anh ruột thịt của mình nên Ái Kiệt thường vui vẻ giãi bày những suy nghĩ của mình.

Phút giải lao của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tác chiến điện tử 97. 

Trước ngày tiếp nhận chiến sĩ mới, qua tìm hiểu nắm bắt, biết Binh nhì Trương Công Luân (19 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có hoàn cảnh gia đình khá éo le, bố mẹ thường xuyên đau yếu, em gái bị thiểu năng trí tuệ, Thiếu tá Nguyễn Thanh Tài, Chính trị viên Tiểu đoàn Tác chiến điện tử 97 đề nghị các thành viên Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân của đơn vị cần đặc biệt quan tâm, gần gũi, động viên, giúp đỡ để Công Luân sớm yên tâm tư tưởng, bắt nhịp với môi trường quân ngũ. Gần hai tháng đã trôi qua, song Công Luân vẫn nhớ như in sự sẻ chia và những tình cảm tốt đẹp mà chỉ huy và đồng đội dành cho anh khi vừa đặt chân về đơn vị. Mỗi tuần một lần, Công Luân đều được Thượng úy Tống Phước Hiệp, Trung đội trưởng cho mượn điện thoại gọi về hỏi thăm, nói chuyện với gia đình. Nghe chỉ huy đơn vị ân cần thăm hỏi, động viên và thông báo khái quát tình hình học tập, công tác của con trai, bố mẹ Công Luân rất phấn khởi.

Tuy tuổi đời còn rất trẻ, song nhờ chịu khó làm ăn, tích cóp, mới đây, Binh nhì Trần Văn Thanh (25 tuổi, trú tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã sắm được cho mình một chiếc tàu cá nhỏ để mưu sinh, lập nghiệp. Nhận lệnh gọi nhập ngũ, bên cạnh niềm vui, phấn khởi, tự hào, lòng anh cũng nặng trĩu suy tư, lo lắng khi phải để phương tiện nằm bờ, phơi mưa, phơi nắng. Được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban CHQS huyện, sau Tết Nguyên đán, tàu cá của anh đã được các bạn thuyền thuê lại. Đơn vị cách nhà hàng trăm cây số, nhưng thi thoảng nhờ Facebook, Zalo của cán bộ đơn vị, anh vẫn được nhìn thấy con tàu thân yêu của mình đang rẽ sóng vươn khơi, bám biển. 

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tài cho biết: “Với phương châm “khi tư vấn chúng tôi là chuyên gia, khi trò chuyện chúng tôi là tri kỷ”, trước ngày nhận quân, các thành viên trong Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về các chiến sĩ mới, để từ đó có thể tiếp cận, tư vấn, giúp đỡ, giúp họ vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu. Những ngày đầu, một số chiến sĩ có biểu hiện buồn chán, nhớ nhà, song sau khi được chúng tôi gặp gỡ, động viên, họ đã vui vẻ, yên tâm tư tưởng và nhanh chóng làm quen, bắt nhịp với môi trường mới. Vượt nắng thắng mưa, say sưa luyện tập, trong môi trường quân ngũ, các chiến sĩ mới đang tiến bộ từng ngày”.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG