Theo Bộ LĐ-TB&XH, tổng ngân sách hỗ trợ là 6.600 tỷ đồng và khoảng 3,4 triệu người được thụ hưởng qua khảo sát, đánh giá của các địa phương.
Tạo điều kiện để người lao động yên tâm làm việc
Chia sẻ tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Quyết định 08 sẽ góp phần phục hồi thị trường lao động qua việc hỗ trợ, thu hút lao động quay lại nơi làm việc. Đồng thời chia sẻ, hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giữ chân lao động để phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế-xã hội. Ngày 31-3, Bộ LĐ-TB&XH có hướng dẫn văn bản chi tiết tới các sở LĐ-TB&XH tại các địa bàn triển khai để khoản tiền hỗ trợ sớm tới tay người lao động đang thuê nhà trọ, tạo động lực để người lao động sớm gia nhập thị trường lao động.
 |
Người lao động tỉnh Phú Yên nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh do BHXH Phú Yên cung cấp |
Để bảo đảm nguồn lao động, Quyết định 08 sẽ có hai đối tượng được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động. Cụ thể, với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1-2-2022 đến ngày 30-6-2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1-4-2022; đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH) tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện trên thì được nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Phương thức chi trả hằng tháng.
Còn với việc hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, Quyết định 08 quy định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2022 đến ngày 30-6-2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2022 đến ngày 30-6-2022, trừ hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó. Người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH) tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, người lao động mới tuyển dụng và có giao kết hợp đồng lao động nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH thì phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Mức hỗ trợ áp dụng cho đối tượng này là 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Phương thức chi trả hằng tháng.
Bảo đảm minh bạch, hỗ trợ đúng người
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm: Danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có xác nhận của cơ quan BHXH. Trường hợp trong danh sách có người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, người lao động mới được tuyển dụng thì bổ sung thêm bản sao danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị. Về trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện chủ yếu tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thời gian từ lúc UBND cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động là 4 ngày. Người sử dụng lao động tổng hợp danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động, niêm yết công khai tại nơi làm việc ít nhất 3 ngày làm việc. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực thông tin của người lao động. Sau đó, người sử dụng lao động gửi cơ quan BHXH để xác nhận người lao động đang tham gia BHXH (thời gian xử lý của cơ quan BHXH là 2 ngày). Người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến UBND cấp huyện để thẩm định trình UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ và chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ (thời gian xử lý của UBND cấp huyện là 2 ngày, UBND cấp tỉnh là 2 ngày). Người sử dụng lao động chi trả cho người lao động trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ.
Các địa phương cần tổ chức thực hiện, đối chiếu dữ liệu đối tượng thụ hưởng chính sách với dữ liệu công dân thật chặt chẽ, để tránh việc trục lợi chính sách qua hưởng lợi nhiều nơi, nhiều lần. Để bảo đảm chi đúng đối tượng, BHXH Việt Nam, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố... sẽ có những phối hợp để bảo đảm chính sách nhanh nhất, thuận tiện nhất cho người lao động.
DIỆP CHÂU