Theo quy hoạch đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt, Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được phát triển thành khu trung tâm mới, hiện đại, mở rộng của trung tâm thành phố với chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường ở khu vực này đang được các nhà khoa học, các nhà quản lý các cấp đặc biệt quan tâm. Căn cứ vào các kết quả khảo sát, nghiên cứu thủy văn - thủy lực, diễn biến dòng chảy, giải pháp bảo vệ bờ và môi trường sinh thái, hệ thống sông, kênh rạch khu vực trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm của Viện nghiên cứu Khoa học công nghệ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hệ thống sông, kênh rạch khu vực trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, các nhà khoa học đề nghị, khi tiến hành quy hoạch xây dựng và phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố không nên cải tạo lòng sông Sài Gòn, mà cần xây dựng bờ kè để bảo vệ bờ sông và cải tạo cảnh quan hai bên bờ sông. Theo đó, sông Sài Gòn có kích thước lớn, lưu lượng thoát 4.000m3/s và sẽ tăng lên 3 đến 4% khi các công trình ở khu vực thượng lưu được xây dựng.
Do vậy, không nên cải tạo lòng sông để thoát lũ vì sẽ làm cho lượng triều đổ vào sông chính mạnh hơn. Giải pháp để bảo vệ bờ sông Sài Gòn và tăng khả năng thoát nước của khu vực Thủ Thiêm là di dời các bến cảng, xây dựng bờ kè và cải tạo bờ sông, đặc biệt là ở những đoạn có bán kính cong nhỏ như Tân Cảng và các đoạn là cửa đổ nước của các rạch lớn như Văn Thánh, Thị Nghè, kênh Đôi, kênh Tẻ và rạch Cá Trê Lớn. Để bảo vệ bờ và môi trường sinh thái, cần đào hồ ở phía hạ du để điều hòa dòng chảy và giảm độ sâu đào từ âm 4m xuống còn âm 3,5m; giữ gìn khu vực bảo tồn cảnh quan bản địa tại khu trung tâm, khu hạ lưu rạch Cá Trê Lớn và khu vực đầm lầy phía nam bán đảo Thủ Thiêm.
Về mức độ ảnh hưởng của việc xây dựng các công trình gia cố bờ, hồ điều tiết, kênh rạch, ông Nguyễn Ngọc Công, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống bão lụt TP Hồ Chí Minh lưu ý, Ban quản lý Thủ Thiêm và đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, đánh giá việc xây dựng các công trình này sẽ ảnh hưởng ra sao đến bờ sông Sài Gòn đối diện các khu vực ở quận 1 và quận Bình Thạnh; kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện công tác khảo sát, quan trắc lún toàn khu vực thành phố để đánh giá mức độ lún sụt mặt đất trước và sau khi xây dựng công trình, làm cơ sở đưa ra những dự báo phục vụ việc phát triển đô thị về lâu dài. Nghiên cứu thủy văn - thủy lực, diễn biến dòng chảy ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm cần đề cập đến các khu vực lân cận như quận 7, huyện Nhà Bè vì đây là vùng hạ lưu và là cửa ngõ tiêu thoát nước chính cho khu vực nghiên cứu và có mức độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh.
VĂN DŨNG