Giữa vùng sông nước mênh mông nhưng lại bị “khát nước” khiến người nông dân không khỏi khó khăn, vất vả, lao đao, đặc biệt là mỗi khi mùa khô đến. Nước sinh hoạt còn thiếu chứ chưa nói đến nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Một điều tưởng chừng là nghịch lý nhưng đã và đang xảy ra từ vài năm gần đây ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vậy đâu là nguyên nhân khiến ĐBSCL “khát” nước? Chúng tôi đã trao đổi cùng TS Nguyễn Hữu Chiếm, Trưởng Bộ môn Môi trường - Quản lý Tài nguyên, khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ về vấn đề này.

Báo động chất lượng nước

- Thưa đồng chí! Nguồn tài nguyên nước và chất lượng nước tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay như thế nào?

- Nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lấy nước ngọt từ sông Mê Kông và nước mưa. Cả hai nguồn này đều đặc trưng theo mùa một cách rõ rệt, mùa mưa lượng nước dồi dào, còn mùa khô thì ngược lại. Lượng nước bình quân của sông Mê Kông chảy qua Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm hơn 460 tỷ m3 và vận chuyển khoảng 150 - 200 triệu tấn phù sa. Chính lượng nước và khối lượng phù sa đó trong quá trình bồi đắp lâu dài đã tạo nên Đồng bằng châu thổ phì nhiêu của chúng ta ngày nay.

Chất lượng nguồn nước ngày càng bị xấu đi một cách nghiêm trọng. Nguyên nhân gây ô nhiễm thì có nhiều, chẳng hạn: việc sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu trong nông nghiệp của nông dân, nuôi thủy sản (chủ yếu là cá tra) thiếu sự quy hoạch hợp lý. Thêm vào đó, ý thức bảo vệ môi trường của người nuôi cá hiện nay còn quá kém. Nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp trong vùng phần lớn chưa được xử lý mà thải trực tiếp ra sông cũng là nguyên nhân khiến chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng.

- Một số ý kiến (trong đó có cả cán bộ môi trường) cho rằng lượng nước thải sinh hoạt và nước thải tại các khu công nghiệp ở khu vực ĐBSCL chẳng thấm tháp gì so với lượng nước khổng lồ của con sông này. Vì vậy, nước sông sẽ hòa tan hàm lượng các chất độc hại trong nước thải…

- Đây chính là một quan điểm sai lầm do thiếu hiểu biết nên mới phát biểu và suy nghĩ như vậy. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng cứ 100 - 200kg chất BOD phải cần tới diện tích từ 2,5 đến 5ha mặt nước tự nhiên mới có thể “giải độc” hết chất BOD. Tổng diện tích nuôi cá tra toàn vùng hiện nay là 6.500ha (chưa tính diện tích nuôi các loại thủy sản khác) đã thải ra khoảng 2 triệu tấn chất thải, cộng thêm nguồn nước thải từ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, lượng nước trên sông, kênh, rạch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long làm sao mà kham nổi. Nếu chúng ta tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá ồ ạt, thiếu kiểm soát, quy hoạch và với cách nuôi như hiện nay, cùng lượng nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt không xử lý thải trực tiếp ra sông, rạch thì chất lượng nguồn nước sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

- Tập quán của người dân làm nhà ngay trên các kênh rạch có tác động như thế nào đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước?

- Sinh sống trên kênh rạch, người dân cứ vô tư, thoải mái xả nước và chất thải xuống kênh, rạch. Tập quán này gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen, tập quán sinh sống của người dân chúng ta phải tăng cường công tác vận động, tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt. Tình trạng xả nước thải bừa bãi sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Hiện nay, phần lớn các tỉnh trong khu vực đều sử dụng nguồn nước mặt của sông Cửu Long phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt hằng ngày. Thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân không dễ nhưng không thể không làm.

- Được mệnh danh là vùng sông nước mà vẫn xảy ra tình trạng “khát” nước, hạn hán cục bộ, vậy nguyên nhân do đâu?

- Nhiều người cứ lầm tưởng vùng sông nước là nước nhiều vô tận và cứ thoải mái sử dụng bừa bãi, lãng phí. Thực tế, vùng ĐBSCL chỉ có nhiều nước vào mùa lũ, cộng thêm lượng nước do mưa đem tới vào mùa mưa (trùng với thời gian mùa lũ). Khi mùa khô đến, lũ rút dần, mưa giảm lượng nước cũng vì thế giảm theo gây nên tình trạng hạn hán cục bộ. Mức độ hạn hán và tác hại của xâm nhập mặn tùy thuộc mực nước trong nội đồng, các sông, kênh, mương. Mực nước trong kênh, rạch thấp sẽ tạo điều kiện để nước mặn ở biển “tấn công” vào các cửa biển gây nên tình trạng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của con người.

- Với chủ đề của ngày môi trường năm nay “Nước là máu của sự sống”, dường như con người đã nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, ý nghĩa của nguồn nước?

- Nước là duy trì sự sống của con người và tất cả các sinh vật tồn tại trên trái đất này. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức đối với nước con người đã mất thời gian dài. Trước đây, ai cũng nghĩ nguồn nước vô tận nên chẳng mấy ai quan tâm đến công tác bảo vệ nguồn nước. Hiện tượng trái đất ấm lên gây biến đổi thời tiết, hạn hán ngày càng nghiêm trọng, nguồn nước trên trái đất cũng ít dần khiến loài người không thể tiếp tục coi thường, sử dụng bừa bãi, lãng phí. Ngay khái niệm coi nước là nguồn tài nguyên quý giá cũng chỉ được chúng ta quan tâm nhắc tới gần đây.

Hãy sử dụng nguồn nước hợp lý, khoa học

- Hiện nay ngành nông nghiệp nước ta, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực đang đẩy mạnh thực hiện mô hình “trồng lúa tiết kiệm nước” phải chăng là một bước cụ thể hóa việc sử dụng tiết kiệm nước?

- Đúng vậy! Đây là mô hình tiết kiệm nước rất hay. Mô hình này không chỉ góp phần tiết kiệm, sử dụng nước hợp lý, khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Từ mô hình này giúp người dân dần nhận thức được vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của nước đối với cuộc sống của con người. Từ đó, làm thay đổi cách sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người dân.

- Để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn hán xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL trong thời gian tới chúng ta cần có những biện pháp như thế nào?

- Không có cách nào khác trước tiên chúng ta phải sử dụng tiết kiệm nước. Để thực hiện được điều này đòi hỏi nhận thức của người dân thay đổi về vai trò ý nghĩa của nước đối với cuộc sống của chúng ta. Ở một số nước trên thế giới ngoài biện pháp vận động tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm người ta còn áp dụng các biện pháp như đánh thuế sử dụng nước, thuế nước thải... Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước cần được xử lý rất nghiêm. Thủy sản là một trong hai thế mạnh phát triển kinh tế của khu vực ĐBSCL. Việc tổ chức quy hoạch vùng nuôi thủy sản đã và đang đặt ra đòi hỏi bức thiết nhằm bảo vệ nguồn nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

- Nguồn tài nguyên nước tại các tỉnh khu vực ĐBSCL trong tương lai sẽ như thế nào, thưa tiến sĩ?

- Trong tương lai chúng ta phải có những biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, khoa học hơn. Việc điều tiết lũ nhằm giảm thiểu tác hại đến đời sống của người dân, đồng thời cần tiến hành xây dựng các công trình thủy lợi nhằm tích nước để phục vụ đời sống, sản xuất cho bà con vào mùa khô. Là thành viên của Ủy ban sông Mê Kông cho nên chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên để chia sẻ, sử dụng nguồn nước hợp lý và hiệu quả hơn để phục vụ đời sống phát triển kinh tế. Đồng thời để bảo vệ nguồn nước, các địa phương trong vùng ĐBSCL sẽ buộc phải đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trước khi thải ra sông, rạch. Công tác bảo vệ (nước mặt và nước ngầm) chống ô nhiễm nguồn nước giữa các tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ mang tính chất cả vùng mới phát huy được hiệu quả. Nếu tỉnh này quản lý chặt còn tỉnh kia không thì nước vẫn sẽ bị ô nhiễm.

- Xin cám ơn tiến sĩ!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)