"Lo cho dân như lo cho mình"
Đến vùng đất Tây Nguyên những ngày đầu tháng 7, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất một thời “thừa nắng gió, thiếu cái ăn”. Hai bên trục đường quốc lộ, các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã được bê tông hóa là những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh tốt đang mùa khai thác; những cành điều, cà phê trĩu quả; những chuyến xe chở đầy nông sản ngược xuôi; những ngôi nhà khang trang... minh chứng cho sự phát triển bền vững.
Mừng vui trước sự đổi thay của vùng đất Tây Nguyên, Đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết: "Thời gian qua, trong điều kiện giá mủ cao su xuống thấp và chịu sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, để bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân, NLĐ và giúp đỡ bà con địa phương phát triển kinh tế, đơn vị đã kịp thời điều chỉnh quy hoạch sản xuất, bố trí lao động phù hợp, mở rộng các ngành nghề, tạo thêm việc làm và thu nhập. Binh đoàn liên kết với các đối tác nghiên cứu phương án sử dụng nguồn lực đất đai, con người hiệu quả hơn, phù hợp với thực tế của đơn vị và địa phương. Các cơ quan, đơn vị thuộc binh đoàn thường xuyên bám thôn làng, bám dân, giúp bà con vận dụng kỹ thuật vào trồng, chăm bón, khai thác cao su, cà phê, điều... gắn với phòng, chống dịch Covid-19; lấy hiệu quả giúp dân để vận động bà con đổi mới tư duy, thời gian lao động, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả".
 |
Cán bộ Binh đoàn 15 động viên người lao động và bà con huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vào mùa khai thác mủ cao su năm 2021. |
Để tiếp sức cho bà con trên địa bàn Tây Nguyên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, những năm qua, các đơn vị: Binh đoàn 15; Quân đoàn 3 và Bộ CHQS các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình người dân vùng lũ ở Kon Rẫy, Kon Plông, Đăk Glei (Kon Tum) thiếu lương thực; vùng biên giới Đức Cơ, Chư Prông (Gia Lai), các huyện: Ea Kar, Cư Mgar, Ea Hleo (Đắc Lắc) nắng hạn thiếu nước sinh hoạt... từ đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời triển khai giúp đỡ nhân dân trên tinh thần "lo cho dân như lo cho mình".
Về với bà con, giúp người dân vươn lên trong khó khăn, theo thống kê từ các đơn vị, 3 năm qua, Binh đoàn 15, Bộ CHQS các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc đã hỗ trợ hơn 276 tấn gạo, 10 tấn lúa cho bà con địa phương mùa giáp hạt; xây dựng và trao tặng gia đình chính sách, bà con khó khăn hơn 110 ngôi nhà đại đoàn kết, đồng đội, chính sách; tặng 27 cặp bò sinh sản; di dời và dựng lại 97 ngôi nhà, 85 kho lúa (trong đó, Binh đoàn 15 hỗ trợ 255 tấn gạo, 10 tấn lúa, 75 ngôi nhà, tuyển dụng 2.834 lao động mới với 1.155 lao động là con em đồng bào DTTS có thu nhập ổn định) cùng với hàng nghìn khối nước sạch sinh hoạt, cây giống, vật nuôi, phân bón khác). Mô hình “Tặng bò sinh sản” cho hộ nghèo; “Lúa nước trên núi, cây lúa trên đất cây cao su tái canh”; “Hũ gạo gắn kết”... cũng ra đời từ đây. Hàng nghìn hộ dân được hưởng lợi, xóa được đói nghèo bền vững từ các mô hình này.
Nhân rộng những mô hình hiệu quả, thiết thực
Bên cạnh những mô hình hiệu quả trên, thời gian gần đây, Binh đoàn 15 tiếp tục triển khai thực hiện tốt mô hình “Gắn kết hộ”. Theo đó, mô hình là hình thức gắn kết giữa hộ đồng bào người Kinh kết nghĩa và giúp hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Cùng với đó, Quân khu 5 chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh và nhân rộng chủ trương “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, chung sức xây dựng nông thôn mới. Theo Đại tá Lê Kim Giàu, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Gia Lai: Trong 3 năm qua, đơn vị đã quán triệt và thực hiện hiệu quả chủ trương “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”. Bộ CHQS tỉnh triển khai cho các cơ quan, đơn vị phối hợp với địa phương nắm chắc các hộ dân còn khó khăn... từ đó, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện. Ngoài xây dựng, bàn giao 11 ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa; di dời, sửa chữa 38 ngôi nhà, 22 kho thóc cho người dân, đơn vị còn hỗ trợ gạo, hỗ trợ kỹ thuật, giống cây trồng; mua 150 con bò, heo, dê giống tặng hộ nghèo. Được sự "tiếp sức" của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, đến nay đã có hàng trăm hộ dân thoát nghèo bền vững.
 |
Cán bộ Binh đoàn 15 trao đổi kinh nghiệm sản xuất với bà con địa phương.
|
Với phương châm “Về với bà con bằng những việc làm hiệu quả”, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã tập trung thực hiện hiệu quả công tác dân vận, giúp bà con phát triển kinh tế. Đặc biệt, thông qua hình thức kết nghĩa với xã Ya Xiêr (Sa Thầy), cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh đã giúp địa phương phát triển vượt bậc. Từ một xã nghèo đói, tình hình an ninh chính trị có những khi diễn biến phức tạp, đến nay Ya Xiêr không còn người vượt biên trái pháp luật, đời sống kinh tế-xã hội phát triển khá toàn diện. Bà con địa phương đã biết trồng, chăm sóc, thu hoạch hàng trăm héc-ta lúa nước, bắp, sắn và cao su. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên, xã đã đạt 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Đánh giá về vai trò của LLVT giúp dân trên địa bàn Tây Nguyên, đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum khẳng định: "Những việc làm nghĩa tình, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội trong thời gian qua có nhiều đóng góp hiệu quả. Thành công đó góp phần xây dựng vùng biên giới bình yên, địa bàn vững mạnh, tình đoàn kết quân dân bền chặt. Đây chính là điều kiện góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh".
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI