Mệnh lệnh từ trái tim
Như nhiều vùng quê khó khăn khác, các xã thuần nông ở Thăng Bình, Quảng Nam diễn ra tình trạng lao động chính đi làm ăn xa, ở nhà chỉ còn chủ yếu người già và trẻ nhỏ. Bởi vậy, trong trận lụt vừa qua, dù không có thiệt hại về người, nhà cửa nhưng phần lớn diện tích ruộng bị ngập nước, bèo tây bao phủ dày đặc khiến nhiều gia đình tính "bỏ ruộng". Sáng ngày 21-12, 300 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315 được lệnh hành quân đến Thăng Bình giúp dân. Sau gần 5 tiếng hành quân bộ, tất cả đã có mặt tại xã Bình Triều rồi nhanh chóng chia quân về các xã Bình Giang, Bình Sa, Bình Đào ổn định chỗ ăn ở. Buổi chiều cùng ngày, khi nhiều người vẫn còn ngại chưa muốn bước chân ra khỏi nhà vì mưa thì bộ đội có mặt ở ngoài ruộng, bắt đầu công việc thu gom bèo.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315 thu gom bèo tây tại xã Bình Sa.
Thôn Vân Tiên, xã Bình Đào có diện tích ruộng không nhỏ nằm sát sông Trường Giang nên bị bèo phủ kín. Mới nhìn, không ai có thể nhận ra nơi đây từng là ruộng cấy lúa bởi khắp nơi chỉ thấy bèo và bèo. Ông Nguyễn Công Ái, thôn Vân Tiên, cho biết: "Nhà tôi ở đây có 2 sào ruộng thì cả 2 sào đều bị bèo tây phủ dày đặc. Chắc chắn nếu không có bộ đội đến giúp thì gia đình tôi sẽ bỏ vì có trồng cũng chỉ được 6 tạ thóc, trong khi công bỏ ra thì biết bao nhiêu. Chưa kể, nếu chỉ một mình gia đình tôi làm thì cũng không kịp cấy vụ Đông- Xuân". Tại xã Bình Sa, nước rút sớm, bèo đã bắt đầu bám rễ vào bùn nên việc thu gom bèo hết sức khó khăn. Vất vả là vậy nhưng trước đề nghị của bà con là muốn tận dụng số bèo này làm phân xanh nên bộ đội đã thu gom và chở về điểm tập kết đã định sẵn thay vì đẩy bèo trở lại sông.Trong quá trình lao động, để có thể giúp đỡ nhiều địa phương hơn và đẩy nhanh tiến độ, đơn vị điều động thêm 200 cán bộ, chiến sĩ.
Việc nhiều, thời gian gấp, bởi vậy mà 500 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315 đã đón Ngày lễ 22-12 trên cánh đồng đầy bèo tây. Trời mưa, vẫn đúng 6h30 có mặt trên ruộng, nước ngập ngang bụng, những người lính trẻ vẫn tay làm miệng rôm rả trò chuyện và không quên chào khi gặp người lớn tuổi. Thỉnh thoảng, những người lính lại "chào mừng" ngày lễ với nhau bằng những ca khúc cách mạng. Tiếng cười vang cả khu đồng vắng…
Câu chuyện về Binh nhất Sô Minh Hữu (Trung đoàn 143) khiến ai ấy biết đều thương và cảm phục. Sô Minh Hữu nhận được tin ông nội mất khi đơn vị đang làm công tác chuẩn bị đi giúp dân. Hiểu được sự gắn bó giữa Hữu và ông nội, trong quá trình tại ngũ, Hữu cũng luôn gương mẫu trong công việc, chấp hành nghiêm kỷ luật nên chỉ huy đơn vị có ý định đề xuất cho Hữu được về chịu tang ông nội. Tuy nhiên, Hữu đã tình nguyện ở lại, vì em nhớ lời dặn của ông trước khi lên đường nhập ngũ: "Đã là người lính Cụ Hồ thì không được mềm yếu trong mọi hoàn cảnh. Cháu cũng chỉ có 24 tháng quân ngũ, bởi vậy đừng làm gì để sau này phải nói từ "giá như"".
Ân tình còn mãi
Trong suốt thời gian lao động giúp dân, bà con các xã Bình Đào, Bình Triều, Bình Giang, Bình Sa đã đùm bọc bộ đội bằng tình thương vô bờ bến; và những câu chuyện tình quân dân ấy sẽ theo mãi trong quãng đời của những người lính về Thăng Bình hôm nay. Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 143, sư đoàn 315 đóng quân tại nhà văn hóa thôn Vân Tây, ngay cạnh trường tiểu học xã Bình Triều. Từ hôm các chú bộ đội đến, học sinh thường đi học sớm hơn để rẽ vào nhà văn hóa. Ai cũng thích nhìn các chú bộ đội quân phục chỉnh tề, đồ đạc gọn gàng, giày dép xếp ngay ngắn ở bậc thềm. Đặc biệt, có chú biết chơi đàn, lại hay đánh các bài thiếu nhi mỗi khi các em đến; vậy nên ai cũng mải, chỉ khi tiếng trống trường vang lên mới chạy vào lớp.
Học sinh tiểu học xã Bình Triều thích thú với các bản nhạc của chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 143.
Còn có rất nhiều câu chuyện cảm động của những gia đình có con em nhập ngũ hiện công tác ở xa hoặc con cái đi làm ăn xa. Vợ chồng ông Phạn Văn Thắng, bà Đoàn Thị Sáu (thôn Vân Tây, xã Bình Triều) có điều kiện kinh tế khá giả hơn một số gia đình khác nên đã ngay lập tức nhất trí mà không cần phải bàn bạc khi bộ đội đặt vấn đề ở nhờ. Bởi lẽ có gì để từ chối khi con trai đầu của vợ chồng ông bà là Phạm Văn Nhất mới nhập ngũ tháng 2-2016 tại Sư đoàn 2, Quân khu 5. Do con trai đóng quân tận Gia Lai, đường xa nên ông bà không có nhiều điều kiện đi thăm. Nay, cứ nhìn những chàng lính trẻ trạc tuổi con mình, bà Sáu lại rơm rớm nước mắt. Bởi vậy, ông Thắng, bà Sáu đã nhường phòng đẹp, nhường giường tốt cho bộ đội. Và, chiếc bánh mì bà Sáu bán cho bộ đội luôn nhiều thịt hơn mà giá chỉ bằng một nửa so với bán cho người khác. Hay như chuyện gia đình vợ chồng ông Trần Văn Lực, bà Trần thị Mộc (thôn Vân Tiên, xã Bình Đào). Ông Lực, bà Mộc có 6 người con nhưng đều đi làm ăn xa. Tích cóp, ông bà xây được căn nhà 2 tầng, chuẩn bị nhập trạch thì xảy ra trận lũ nên phải hoãn lại. Biết bộ đội đến vớt bèo giúp dân, dù gia đình không có ruộng bị ngập, bộ đội chỉ đến ở nhờ trong nhà cũ nhưng ông bà đã quyết định làm ngay lễ nhập trạch và "bắt bằng được" bộ đội lên nhà mới ở. Nhà chỉ còn 2 vợ chồng già, mọi ngày vắng lặng, nay có những người lính trẻ mới 19, đôi mươi đến ở cùng, ông bà vui hẳn. Mấy ngày đầu, bà Mộc đi chợ đều mua thêm cân thịt, con cá tặng bộ đội nhưng chiến sĩ nuôi quân nhất định không nhận. Từ đấy, bà Mộc để ý xem bộ đội ăn gì, bà sẽ mua giống, chế biến như bộ đội rồi "đổ trộm" vào nồi. Khi chiến sĩ nuôi quân phát hiện, báo cáo chỉ huy, bà Mộc rơm rớm: "Chuyện ấy là cô tự làm, đừng trách các cháu nó. Cô thương quá, mua tặng thì không chịu nhận nên cũng chỉ biết làm cách ấy thôi"…
Quân y Sư đoàn 315 khám bệnh cho gia đình chính sách tại xã Bình Triều.
Từ ngày 21 đến ngày 26-12, những người lính Sư đoàn 315 đã vớt bèo, trả lại mặt bằng ruộng lúa tổng cộng 120.000m2, kết hợp nạo vét 300m kênh mương cho xã Bình Đào, Bình Giang. Dịp này, Quân y Sư đoàn 135 cũng tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 90 trường hợp là hộ nghèo, neo đơn và gia đình chính sách. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với Đoàn thanh niên xã Bình Sa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ, hát những ca khúc ca ngợi Đảng, tình yêu quê hương, đất nước phục vụ bà con nhân dân các vùng lân cận. |
Bài, ảnh: XUÂN QUỲNH-TRÚC HÀ