Là chiến sĩ lái xe trực tiếp đưa các thủ trưởng Bộ tư lệnh Đoàn 959 ra chiến trường, ông Nguyên biết nhiều thông tin về các trận đánh cũng như nơi chôn cất liệt sĩ. May mắn trở về lành lặn sau chiến tranh, ông luôn trăn trở khi những đồng đội hy sinh vẫn còn nằm lại nơi rừng xanh núi đỏ, nên đã nhiều lần cùng đoàn công tác đi tìm HCLS.
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Nguyên (ngoài cùng, bên phải) tham gia cùng đội quy tập tìm hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Houphanh, Lào (năm 2011). Ảnh do nhân vật cung cấp |
Mùa khô năm 2011, sau nhiều lần khảo sát địa hình, ông Nguyên và CCB Phạm Quang Lại, nguyên chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 923, Đoàn 959, đã tham gia chiến đấu và làm nhiệm vụ thương binh, tử sĩ tại chiến trường bên nước bạn Lào, cùng Đội quy tập HCLS Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Lê Bật Phong làm đội trưởng hành quân sang Lào với hy vọng sẽ tìm thấy hài cốt đồng đội. Sang đến Sầm Nưa, cả đoàn được Tỉnh đội, Hội CCB tỉnh Huaphanh đón tiếp trọng thị, cử cán bộ, điều xe đi cùng. Sau khoảng 60-70km hành quân, đoàn dừng chân ở một bản gần đường giao thông, xe không đi được nữa, phải hành quân gần 3km đến một đỉnh đồi thông xanh mướt. Đồng chí Phong tập trung mọi người rồi chỉ vào một phiến đá mỏng nhô lên khỏi mặt đất chừng 20cm nhận định: Theo kinh nghiệm của đồng bào địa phương, phiến đá chôn như thế này thường là điểm đánh dấu của bộ đội Việt Nam an táng liệt sĩ. Vậy là khoảng trống trên đỉnh đồi sau một hồi cuốc, đào, xúc, đội khai quật đã xẻ những rãnh ngang rãnh dọc, xử lý đến tận tầng đất nền nhưng không tìm thấy đồng đội như mong muốn.
Ngày hôm sau, đội quy tập triển khai công việc tại bản Pha Nang. Ngày trước, nơi đây là rừng dẻ, bản gần đó có tên là Nậm Tạt. CCB Nguyễn Duy Nguyên nhớ lại: “Đó là vị trí chúng tôi đặt nhiều hy vọng nhất vì những gốc dẻ vẫn còn. Vậy mà trong hai ngày, chúng tôi đã "băm nát" quả đồi mà vẫn không tìm thấy các anh. Khi ấy, anh Phong động viên mọi người đừng thất vọng, mùa khô hằng năm, bình quân cứ 10 lần ra quân thì chỉ 1 lần tìm thấy HCLS nên mấy hôm nay chưa thấy cũng là điều bình thường, công việc phải kiên trì, lâu dài. Nói vậy nhưng chúng tôi thì sốt ruột lắm. Cảnh vật thay đổi, nhân chứng, thông tin ngày càng ít, qua mấy chục năm hài cốt phân hủy... Chúng tôi thương các liệt sĩ đang nằm trên đất bạn để lâu thì đường về quê mẹ càng khó khăn hơn”.
Cả đoàn tiếp tục hành quân vào sân bay Nakhang (Huaphanh) là điểm khảo sát lần trước vào mùa mưa nên không thể ở lại khai quật được. Sân bay hiện bị bỏ hoang, chỉ còn là một bãi cỏ rộng, dài chừng 700-800m, có lối mòn đi giữa, chứng tích chiến tranh còn vương vãi nơi đây. Xác một chiếc máy ủi đen sì, chiếc máy gạt màu vàng bị xé ra làm hai phần nằm chìm trong đất. Trên cao, một khẩu pháo bị cây rừng, dây leo che phủ. CCB Nguyễn Duy Nguyên kể: “Tại sân bay này đã diễn ra những trận đánh ác liệt vào mùa khô năm 1966. Đỉnh đồi phía bắc sân bay là đài chỉ huy của địch. Đại đội 1, Tiểu đoàn 923, Đoàn 959 mật tập đánh lên từ phía tây sườn đồi này, do bị lộ, địch phản công nên ta thiệt hại nhiều”. Từ khi đồng đội nằm xuống sau hơn 50 năm, ông Nguyên mới trở lại nơi này nhờ kết nối, tổng hợp thông tin của các CCB và từ những ghi chép trong nhật ký.
Sau mấy ngày đợi chờ, tìm kiếm vất vả, Đội quy tập HCLS (Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa) đã tìm thấy 16 bộ HCLS. Đi cùng đoàn khi đó có CCB Nguyễn Công Nhuế, 73 tuổi, quê ở Bắc Ninh, từng chiến đấu ở khu vực sân bay Nakhang còn lưu giữ nhiều thông tin quý báu. Từ những nguồn thông tin tổng hợp lại, đội khai quật tìm thêm được 21 bộ HCLS nữa. Sau đó, 37 HCLS ở Nakhang được đưa về tỉnh Xamneua (Lào). Khi hoàn thiện các thủ tục giấy tờ, Đội quy tập HCLS (Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa) đã đưa các anh về Việt Nam và an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm, xã Thiết Ống (Bá Thước, Thanh Hóa). Tất cả HCLS đều được lấy mẫu vật để giám định ADN. Một số liệt sĩ qua giám định đã xác định được danh tính và được người thân đưa về quê nhà.
Đưa các liệt sĩ về yên nghỉ trên đất mẹ Việt Nam, CCB Nguyễn Duy Nguyên cùng đồng đội phần nào nguôi ngoai nỗi niềm day dứt. Hoàn thành công việc, ông lại chuẩn bị cho những chuyến đi tiếp theo vì nhiều liệt sĩ còn nằm đâu đó giữa đại ngàn mênh mông trên đất bạn. Ông tự nguyện làm công việc ấy như lời tri ân đồng đội đã hy sinh để có cuộc sống hòa bình hôm nay.
VŨ DUY