Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, hiện loài tê giác Java ở Việt Nam chỉ còn khoảng 4-5 con, phân bố ở khu vực Cát Lộc, thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên. Loài thú này được Sách đỏ Việt Nam xếp vào bậc E (đang bị đe dọa tuyệt chủng) và Sách đỏ thế giới xếp bậc CR - cực kỳ nguy cấp. Cục Thủy sản và động vật hoang dã Hoa Kỳ đã hỗ trợ VQG Cát Tiên tổ chức giám sát tê giác bằng cách lắp đặt các bẫy ảnh tự động. Tuy nhiên, sinh cảnh và địa bàn sống của tê giác hiện đang bị xâm chiếm, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của loài động vật cực kỳ quý hiếm này.
Tê giác đang chịu nhiều sức ép
Vườn Quốc gia Cát Tiên rộng hơn 71.000ha, trong đó khu vực Cát Lộc hơn 27.000ha, nằm về phía bắc của Vườn thuộc địa bàn huyện Cát Tiên và huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Khu vực này có khoảng 10.000 dân sinh sống, hầu hết là các buôn làng của đồng bào dân tộc Châu Mạ và S'Tiêng. Các hộ dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng. Tình trạng khai thác lâm sản cùng với các hoạt động của người dân đã ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của loài tê giác. Số liệu cho thấy, hiện nay diện tích rừng thực tế cho tê giác hoạt động chỉ còn khoảng 4.000-5.000ha, trong khi theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thì mỗi cá thể tê giác cần vùng sống có diện tích ít nhất khoảng 1.000ha với sinh cảnh thích hợp, không gian yên tĩnh.
 |
Vườn Quốc gia Cát Tiên, một trong những Khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam (ảnh internet) |
Thạc sĩ Trần Văn Mùi, nguyên giám đốc VQG Cát Tiên cho biết, tập quán sống dựa vào tài nguyên rừng của đồng bào dân tộc thiểu số đã dẫn đến việc vi phạm quản lý và bảo vệ rừng; tiếng động của các loại động cơ như máy cắt cỏ, xe máy, săn bẫy chim, thú rừng, chăn thả gia súc bừa bãi là những nguy cơ đe dọa đến việc bảo tồn loài tê giác. Đó là chưa kể người dân đã mở nhiều con đường nối các thôn bản, có những đường đi xuyên qua vùng lõi hoạt động của loài tê giác làm thu hẹp vùng sống, dồn chúng vào khu vực có sinh cảnh không thuận lợi, nghèo thức ăn và nguồn muối khoáng tự nhiên.
Tìm một "ngôi nhà" cho tê giác
Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án bảo tồn và khôi phục loài tê giác Java thông qua nhiều hoạt động như tổ chức nhiều cuộc điều tra, khảo sát có sự tham vấn của các chuyên gia từ Cục kiểm lâm, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện điều tra quy hoạch rừng, các tổ chức, chuyên gia nước ngoài từ Tổ chức bảo tồn tê giác thế giới (IRF), Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF); các chương trình trồng cây bổ sung nguồn thức ăn cho tê giác, tạo các vùng sinh khoáng nhân tạo cho tê giác. Mới đây, một tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ VQG Cát Tiên mua đất nông nghiệp ở Bàu Chim để bảo vệ nguồn muối khoáng tự nhiên cho loài tê giác. Chính phủ Việt Nam cũng đã có những chương trình ổn định dân cư và di dời một số vùng dân cư để mở rộng sinh cảnh nơi đây.
 |
Tê giác trong VQG Cát Tiên (ảnh internet) |
Tại cuộc hội thảo vừa qua tại VQG Cát Tiên, các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu về động vật trong và ngoài nước đã thảo luận nhằm tìm những giải pháp bảo tồn và phát triển loài tê giác này ở Cát Tiên. 4 giải pháp cơ bản được đưa ra là: Di chuyển toàn bộ các hộ dân ra khỏi khu vực sống của tê giác; để dân sống chung với tê giác nhưng tạo hành lang an toàn; tái định cư các hộ dân đến chỗ mới và phương án chuyển tê giác đến vùng Nam Cát Tiên. Giải pháp ổn định dân cư tại chỗ, sống chung với tê giác được cho là khả thi nhất. Ngoài ra, tại hội thảo cũng có nhiều ý kiến khác về bảo tồn tê giác Java như: bảo tồn tê giác nên gắn với bảo vệ điều kiện sống của chúng và ổn định cuộc sống của cộng đồng dân cư trong vùng; cần nghiên cứu, xác định rõ quần thể tê giác hiện nay của Cát Tiên là chủng quần có khả năng phát triển hay suy vong, từ đó có định hướng bảo tồn...
Tiến sĩ Nico Van Strien, Điều phối viên Tổ chức bảo tồn tê giác thế giới (IRF) cho biết, kết quả phân tích ADN từ mẫu phân tê giác và dấu chân của loài tê giác này để lại cho thấy khoảng từ 1998 đến nay, loài tê giác Java ở Việt Nam không có dấu hiệu sinh sản. Điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ diệt vong của một loài thú quý hiếm nếu như sự can thiệp của con người không kịp thời.
SỸ TUYÊN