Các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công và thân nhân của họ (sau đây gọi chung là người có công) ngày càng được quan tâm, chăm lo tốt hơn”. Đó là chia sẻ của đồng chí Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thanh Hóa với Báo Quân đội nhân dân nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2022).

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng lớn người có công (NCC) với cách mạng. Vậy, việc thực hiện các chế độ, chính sách với NCC của tỉnh được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Vũ Thị Hương: Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, hàng vạn người con ưu tú của tỉnh Thanh Hóa đã tình nguyện lên đường trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Sau khi đất nước được hoàn toàn độc lập, ngành LĐ-TB&XH đã tập trung giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, phát động mạnh mẽ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Toàn tỉnh hiện đang quản lý gần 349.470 NCC với cách mạng, gồm: 4.630 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 94 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống); hơn 55.930 liệt sĩ; 860 cán bộ lão thành cách mạng; 444 cán bộ tiền khởi nghĩa; hơn 43.570 thương binh; gần 15.960 bệnh binh; gần 14.540 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 1.065 NCC giúp đỡ cách mạng; 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; hơn 210.830 người tham gia kháng chiến được tặng huân chương, huy chương.

Hằng năm, ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho gần 28.000 NCC, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% NCC và thân nhân theo quy định. Hiện nay có gần 69.470 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng hằng tháng. Đến nay, đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, hơn 99,8% hộ gia đình NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc. Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng, nhất là thương binh nặng.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa thăm, tặng quà bà Lê Thị Nọng là vợ liệt sĩ ở thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh. Ảnh: KHÁNH TRÌNH  

 

PV: Để có được kết quả nêu trên, những năm qua, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã tham mưu và thực hiện những chủ trương, giải pháp nào trong việc chăm lo cho NCC?

Đồng chí Vũ Thị Hương: Có thể khẳng định, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, chỉ đạo kịp thời công tác chăm lo mọi mặt đời sống NCC và thân nhân. Từ đó, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội và người dân đã phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH trong thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong đó, nổi bật là Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng” đã thật sự trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội; thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, doanh nghiệp trên địa bàn với các hình thức tổ chức, việc làm cụ thể, thiết thực...

Nhờ thế, hầu hết NCC và thân nhân đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở. Trong năm 5 năm qua (từ 2018 đến 2022), Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của tỉnh nhận được hơn 56 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây mới 338 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 555 nhà với kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng; trao 408 sổ tiết kiệm tặng NCC với cách mạng; tổ chức thăm, tặng quà của Chủ tịch nước và quà tặng của tỉnh tới hơn 380.000 lượt NCC và thân nhân với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh chiếm 50%).

PV: Để thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tiếp theo của ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Thị Hương: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với NCC với cách mạng; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Trong đó, quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực, huy động sự tham gia của toàn xã hội để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc NCC với cách mạng, nhất là đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với NCC với cách mạng; đặc biệt quan tâm đến các gia đình NCC có hoàn cảnh khó khăn, gia đình NCC thuộc hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... Đồng thời, ngành phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị rà soát, giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng chưa được hưởng chế độ.

Chúng tôi cũng sẽ triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, báo tin phần mộ liệt sĩ đến thân nhân liệt sĩ; bảo vệ, nâng cấp, tu bổ các công trình nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh liệt sĩ để tỏ lòng ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

PV:  Trân trọng cảm ơn đồng chí!

ĐỨC TUẤN (thực hiện)