Bà Vân chia sẻ với chúng tôi, tướng mạo “ông xã” nhìn bên ngoài vốn oai nghiêm với dáng người to cao, cằm bạnh, lông mày rậm xếch, giọng nói oang, hơi khàn, nhưng trong hình ảnh, tấm nào cũng thấy ông cười thật tươi và hiền; kể cả những tấm ảnh được chụp ở chiến trường K nhuốm màu lửa đạn.
Thiếu tướng Trần Minh Thiệt (ngoài cùng, bên phải) với các tướng lĩnh, chỉ huy Quân khu 5 tại chiến trường K. Ảnh tư liệu
Cũng theo bà Vân, ông Thiệt rất thích chụp ảnh và viết lách. Trong cuốn hồi ký đang dở dang, ông Thiệt kể về làng Mân Quang (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nơi ông sinh ra; về thời gian tham gia biệt động Đà Nẵng, rồi làm Tiểu đội trưởng du kích, chiến sĩ Sư đoàn 2 (Quân khu 5), sau đó là những ngày tháng sống và chiến đấu tại Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2). Trong cuốn hồi ký của mình, ông Thiệt cũng chia sẻ những trăn trở, nghĩ suy về cơn lốc cơ chế thị trường đang tràn qua cuộc sống của những người lính lâu nay chỉ biết cầm súng. Đọc hồi ký mới biết hết ở ông một tấm lòng trung kiên, vì Đảng, vì dân, không màng danh lợi, phú quý.
Đại tá Phạm Văn Ba, nguyên Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 307 là người có nhiều năm chiến đấu cùng Thiếu tướng Trần Minh Thiệt từ chiến trường Quảng Trị năm 1972 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Giọng ông Ba sôi nổi hẳn lên khi kể về người đồng đội, người thủ trưởng của mình. Trong đó, ông nhớ nhất kỷ niệm của những ngày thần tốc giải phóng Huế rồi vào Đà Nẵng. Khi ấy, ông Ba là Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, do đồng chí Thiệt làm Tiểu đoàn trưởng. Sau khi giải phóng Huế, cắm cờ trên Phu Văn Lâu, Trung đoàn 18 tiếp tục đánh Mũi Né, quận lỵ Phú Lộc, đèo Phước Tượng, rồi đèo Phú Gia, Lăng Cô. Những nơi này địch còn mạnh, chống trả rất quyết liệt. Nhưng Tiểu đoàn 8, dưới sự chỉ huy của đồng chí Thiệt đã chiến đấu dũng cảm, nhanh chóng làm chủ chiến trường. Trên đường giải phóng Đà Nẵng, Tiểu đoàn trưởng Trần Minh Thiệt ngồi trên chiếc xe tăng thứ hai, tiếp theo là chỉ huy sư đoàn, quân đoàn rầm rập tiến vào thành phố. Tàn quân địch vẫn còn cố thủ, đơn vị vừa đi vừa chiến đấu, chiếm đèo Hải Vân, giữ được kho xăng Liên Chiểu, vượt cầu Trịnh Minh Thế, tiến công chiếm giữ bán đảo Sơn Trà. Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 29-3-1975, Tiểu đoàn 8 chiếm được quân cảng Sơn Trà-quân cảng lớn nhất của quân ngụy ở miền Nam. Đồng chí Thiệt chỉ huy lực lượng cắm cờ trên đỉnh núi. Sau chiến thắng, ông không kịp về thăm nhà mà chỉ huy bộ đội tiếp tục hành quân vào Nam, giải phóng Sài Gòn. Sau chiến dịch, đồng chí Thiệt được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, nhưng đến đầu năm 1976 mới chính thức trao.
Cựu chiến binh Võ Hương ở Gia Lai thì nhớ mãi những ngày được Thiếu tướng Trần Minh Thiệt dành sự ưu ái đặc biệt. Ngày đó, Đội trưởng Võ Hương, Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ K52 thuộc Bộ CHQS tỉnh Gia Lai thường xuyên bới đất để tìm hài cốt liệt sĩ nên hai bàn tay nhiễm độc phù sưng, có người không dám đến gần. Tại Đại hội Thi đua Quyết thắng của LLVT Quân khu 5, khi nghe Võ Hương đọc bản thành tích và về căn bệnh anh đang mắc phải, Thiếu tướng Trần Minh Thiệt rơm rớm nước mắt. Giờ giải lao, ông gọi Võ Hương ra chụp ảnh cùng, cầm bàn tay sưng phù của anh lên kiểm tra, sau đó chỉ đạo các cơ quan đưa anh ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chữa trị. Bây giờ, bàn tay anh Võ Hương đã lành lặn và kỷ niệm ngày nào vẫn in sâu trong tâm khảm.
Tính nóng như lửa của Thiếu tướng Trần Minh Thiệt cả Quân khu 5 ai cũng biết, nhưng Đại tá, Nhà báo Lê Anh Dũng lại kể về một chuyến đi mới thấy tính cách khác của người anh hùng. Đó là năm 1990, chiếc xe Bắc Kinh cà rịch cà tang xuống đèo Sông Pha (tỉnh Lâm Đồng) mất thắng lao nhanh. Ngồi trên xe ông hét: “Cứ bình tĩnh, giữ tay lái, cài số lớn”. “Con ngựa” trở chứng đã được ghì cương. Ông cười vang nói với những người trên xe đang hết sức lo sợ: “Giày dép còn có số, không việc gì phải lo sợ, cứ bình tĩnh và khôn khéo xử lý, mọi việc sẽ qua”. Nhưng rồi vị tướng được sinh ra từ làng Mân Quang đã không vượt qua số mệnh... Ông không kịp thực hiện lời hứa với vợ con sẽ về ăn mồng 5 (Tết Đoan Ngọ)...
Đã gần 20 năm kể từ ngày ông về cõi vĩnh hằng, nhưng đâu đó trên đỉnh Sơn Trà và trong lòng nhiều đồng đội, cán bộ, chiến sĩ, người dân hôm nay như vẫn còn in đậm bóng dáng người anh hùng chân chất và nghĩa tình, Thiếu tướng Trần Minh Thiệt...
HỒNG VÂN