QĐND - Thực hiện Quyết định số 2299/1999/QĐ-QP ngày 24-11-1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ trong quân đội, từ năm 2000 đến nay, đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng đã được quan tâm, tăng thêm thời gian nghỉ tranh thủ cuối tuần, đáp ứng nhu cầu tình cảm, tinh thần, tái sản xuất sức lao động.

Tuy nhiên, do đặc thù nhiệm vụ quân sự, việc nghỉ tranh thủ cuối tuần vẫn phải gắn với các chế độ trực chiến, trực chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu nên tùy tình hình từng đơn vị, có nhiều cách vận dụng giải quyết khác nhau. Ở nhiều đơn vị, mỗi tháng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng được nghỉ tranh thủ ngày thứ bảy, chủ nhật từ 1-2 lần đến 3-4 lần (tùy từng vị trí chức trách nhiệm vụ). Thường thì các khối đơn vị đủ quân, đơn vị sẵn sàng chiến đấu, đơn vị nghiệp vụ đặc thù có thời gian nghỉ tranh thủ ít hơn.  Như Báo Quân đội nhân dân từng phản ánh, cùng chế độ đi tranh thủ nhưng có đơn vị cho cán bộ đi từ chiều thứ sáu đến sáng thứ hai, nhưng có đơn vị sáng thứ bảy mới cho đi và tối chủ nhật phải có mặt. Có đơn vị quy định cán bộ trung đội 4 tuần, cán bộ đại đội 3 tuần được về tranh thủ nghỉ ngày cuối tuần, song cũng có những đơn vị lại quy định cán bộ trung đội 8 tuần, cán bộ đại đội 6 tuần mới được đi tranh thủ một lần. Về thời gian nghỉ cũng có nhiều quy định cụ thể theo từng cấp nên vô hình trung làm giảm thời gian nghỉ thực tế của anh em. Ví dụ: Sư đoàn quy định quân nhân đi tranh thủ phải lên đơn vị trước 21 giờ ngày chủ nhật, nhưng để tránh hiện tượng anh em đi muộn và kịp thời báo cáo cấp trên, cấp trung đoàn lại quy định phải có mặt trước 16 giờ, cấp tiểu đoàn quy định phải có mặt trước 12 giờ... Nhiều trường hợp như bố, mẹ, vợ, con, anh, em sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp bị ốm nặng; vợ sinh con, cưới hỏi, tang gia người thân... cần được giải quyết nghỉ tranh thủ, song dù nhiệm vụ đơn vị không có gì đặc biệt, có cấp chỉ huy vẫn cứng nhắc không giải quyết nghỉ tranh thủ cho anh em với lý do “không có trong quy định”. Có đơn vị vì ngại xảy ra tai nạn giao thông mất thành tích còn quy định cụ thể đến mức phải đi phương tiện gì, cấm đi xe gắn máy, khiến anh em phải đón bắt xe khách khá vất vả, không chủ động được thời gian, làm giảm thời gian nghỉ thực tế.

Là quân nhân, chúng tôi luôn xác định hoạt động quân sự là lao động đặc thù, nhiệm vụ phải đặt lên trên hết và việc nghỉ tranh thủ cuối tuần phải tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, nhưng cũng rất mong các cấp chỉ huy quan tâm hơn nữa về vấn đề này. Thiết nghĩ nên có quy định thống nhất về việc nghỉ tranh thủ cuối tuần làm cơ sở cho các đơn vị áp dụng, đồng thời thông qua đó tăng cường quản lý bộ đội một cách chính quy, hiệu quả hơn.

PHẠM MINH TIẾN (Quân chủng Hải quân)