 |
Sạt lở trên bờ sông Hương (ảnh Laodong.com.vn) |
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) là một tất yếu khách quan và là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhằm mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Tác dụng của CNH, HĐH đối với nền kinh tế quốc dân, với xã hội là vô cùng to lớn. Song, để sự nghiệp CNH, HĐH đi đến thành công, đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp, có sự phát triển ổn định bền vững, một trong những vấn đề quan trọng là phải biết gìn giữ môi trường sinh thái, sự cân bằng giữa những yếu tố tự nhiên, kinh tế và xã hội.
Môi trường chính là tập hợp những điều kiện tự nhiên và xã hội mà trong đó có con người, sinh vật tồn tại, phát triển. Môi trường tự nhiên: nước, không khí, đất đai… là những điều kiện không thể thiếu của sự sống. Con người không thể sống thiếu nước và không khí sạch cũng như nhiều yếu tố khác thuộc môi trường tự nhiên. Từ bao đời nay hành tinh của chúng ta vốn vẫn là xanh, sạch. Cuộc sống thanh bình, hài hòa, cân bằng giữa con người với môi trường xung quanh. Nhưng chính sự phát triển của con người, sự gia tăng dân số làm cho con người ngày càng tác động mạnh mẽ đến môi trường tự nhiên như: đốt phá rừng bừa bãi, khai thác cạn kiệt tài nguyên một cách thiếu kế hoạch, nhất là ở những nước kém phát triển. Mặt khác, cùng với sự gia tăng dân số là quá trình CNH, HĐH, ngoài tính tích cực của nó, quá trình CNH, HĐH cũng tác động không nhỏ đến môi trường tự nhiên. Đó là các chất thải như: nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, hóa chất, khí thải CO2 và các chất thải rắn… đã làm ô nhiễm nặng môi trường, tác động xấu đến sự sống và sự phát triển kinh tế-xã hội. Điều đó đã được chứng tỏ ngày càng rõ nét, khi con người đã và đang chịu sự tác động mạnh mẽ và xấu đi của tự nhiên, nạn hạn hán và lụt lội, sạt lở đất, bão tố, lốc xoáy, sóng thần thường xuyên hơn và với cấp độ nguy hiểm hơn gây nên những thảm họa khôn lường cho con người, cũng như làm ảnh hưởng, thiệt hại vô cùng to lớn cho kinh tế-xã hội. Hiện tượng trái đất ngày càng nóng lên và băng ở Bắc Cực, Nam Cực tan ra, đó là kết quả của hiệu ứng nhà kính mà nguyên nhân là do khí thải CO2 gia tăng quá mức, làm thủng tầng ô-dôn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và mọi sinh vật trên trái đất.
Quá trình CNH, HĐH ở nước ta đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ. Không những ở thành thị mà cả ở nông thôn. Đã đem lại những thành tựu to lớn cho đất nước. Song chúng ta cũng đã thấy rõ vấn đề môi trường tự nhiên đang bị ô nhiễm nặng, gây tác động xấu đến sản xuất và đời sống. Những khu công nghiệp, cụm điểm công nghiệp ngày càng nhiều, những khu đô thị mới hiện đại mọc lên, và sản xuất hàng hóa, chế biến nông sản, thực phẩm ở nông thôn ngày càng trở nên sôi động. Tất cả đều liên quan đến môi trường tự nhiên, thực tế cho thấy có dòng sông đã bị nhuộm màu đen do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp làm hàng loạt sinh vật cá, cua… bị chết. Không khí ô nhiễm quá mức cho phép do khói bụi gây ra, và có "làng ung thư" do nguồn nước bị nhiễm chất a-sen.
CNH, HĐH với môi trường là hai vấn đề có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Nếu chúng ta chỉ chú ý đến CNH, HĐH để đem lại hiệu quả kinh tế thuần túy, mà quên vấn đề môi trường thì hiệu quả kinh tế thu được chắc gì đã đủ để giải quyết hậu quả do ô nhiễm môi trường gây ra. Chính vì vậy, dù ở bất kỳ cơ sở sản xuất nào, khu công nghiệp nào, thành thị hay nông thôn, cũng phải gắn liền với vấn đề môi trường xanh, sạch, đẹp để phát triển nền kinh tế-xã hội một cách bền vững.
Để giải quyết vấn đề môi trường một cách có hiệu quả, trước hết chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền đến với mỗi người dân, từng gia đình, cơ quan, xí nghiệp, cần có ý thức và nghĩa vụ bảo vệ môi trường vì cuộc sống của chúng ta, và tương lai con cháu sau này. Vì vậy, trong công tác quy hoạch đô thị, các khu công nghiệp, cụm điểm công nghiệp cần chú ý đến việc xử lý nước thải, khí thải trước khi đổ nước ra sông và thải khí lên trời. Trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong khu, cụm điểm công nghiệp, ở thành phố, hay nông thôn phải tự xử lý hoặc đóng góp tài chính để xây dựng những khu xử lý chung. Việc xử lý môi trường ô nhiễm do chính những doanh nghiệp gây ra phải trở thành quy chế bắt buộc-thành luật. Ở những vùng nông thôn có nguy cơ ô nhiễm nặng do sản xuất ngày càng phát triển, cần có quy hoạch đưa những cơ sở sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu dân cư, để việc xử lý nước thải bị ô nhiễm, khí thải và các chất thải khác được dễ dàng hơn. Nhằm bảo đảm cuộc sống bình yên, môi trường trong sạch, các cơ quan quản lý môi trường cần nghiên cứu đề xuất những chế tài từ xử phạt hành chính đến phạt kinh tế, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, doanh nghiệp… gây ô nhiễm môi trường tùy theo mức độ vi phạm, để mọi người, mọi doanh nghiệp có ý thức tự giác chấp hành, từng bước lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực gìn giữ môi trường tự nhiên xanh, sạch, đẹp.
Đất nước ta đang trong quá trình phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, CNH, HĐH "đi tắt đón đầu" để đuổi kịp các nước trong khu vực và quốc tế càng đòi hỏi đẩy nhanh hơn nữa. Bên cạnh hiệu quả kinh tế chúng ta cũng cần chú ý đến hiệu quả xã hội. Chính vì vậy, không thể không quan tâm đến bảo vệ môi trường tự nhiên. Môi trường tự nhiên càng được bảo vệ bao nhiêu sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế một cách có hiệu quả hơn. Chúng ta chỉ có thể tồn tại và phát triển trên một nền tảng kinh tế được kết hợp hài hòa với môi trường sinh thái cân bằng và bền vững.
HOÀNG THANH HẢI