Năm 1996, sau khi được điều về Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, TCHC, tôi may mắn được dự Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí toàn quân (khóa 2). Có thêm kiến thức làm báo, tôi tích cực gửi tin, bài và trở thành CTV của Báo Quân đội nhân dân cho đến bây giờ, lúc nào cũng tươi rói những ấn tượng mà tòa soạn đã dành cho tôi.

Được giúp đỡ, khích lệ

“Ân nghĩa chan chan”, nhưng đầu tiên và thường xuyên là sự “gạn đục khơi trong”. Ví dụ, hồi mới tập viết, tôi gửi tin “500 chiến sĩ từ các đơn vị về Trường Sĩ quan Hậu cần nhập học, hòa hợp như người một nhà”, dài 600 chữ. Một biên tập viên (BTV) đọc tin đã nói với tôi: “Không ra tin, chẳng ra bài. Nhưng với một số chi tiết, có thể khai thác sâu để viết thành bài. Anh thử viết đi”. Tôi hứng khởi, nghĩ rằng bài là phải "hoành tráng", liền viết 1.500 chữ. Bài đăng chỉ còn 700 chữ, dài hơn cái tin lúc đầu có tí tẹo! Tít cũng chỉ còn 4 chữ: “Như con một nhà”. Nghe BTV giảng giải, tôi nhận ra mình mắc hai lỗi: Hành văn lan man, trùng lặp và không chọn lọc chi tiết...

Cộng tác viên Phạm Xưởng luôn say mê chăm chút từng bức ảnh, bài viết trước khi gửi đăng các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: TÔN NỮ THANH BÌNH

Sau vài lần như thế, với sự chỉ bảo cặn kẽ của BTV, tôi dần khắc phục nhược điểm. Và BTV đối với tôi từ chỗ thông cảm đã có những thiện cảm, “gạn đục khơi trong” làm cho tin, bài của tôi chân thực, súc tích, “sáng” hơn mà vẫn giữ được ý đồ, văn phong...

Sự khích lệ của báo giúp tôi tự tin khám phá để sáng tạo. Cách nay 9 năm, khi đọc bình luận bài thơ “Chợ Tết” ở trang 5, tôi thấy tác giả đã viết nhầm “khách” thành “khác”. Tôi gặp đồng chí Trưởng phòng biên tập Văn hóa-Thể thao, định chỉ nói riêng thôi. Không ngờ đồng chí trưởng phòng rất thành ý: “Anh “dọn vườn” đi, sẽ có nhiều cái lợi; vừa thể hiện sự tôn trọng cụ Đoàn Văn Cừ (1913-2004, tác giả bài thơ), vừa giúp ban biên tập dễ dàng xem nhầm ở khâu nào để rút kinh nghiệm... lại vừa không để bạn đọc hiểu sai nội dung bài thơ”. Thật thú vị! Tôi nghĩ, khi mình mắc lỗi cũng sẽ được người khác quan tâm, giúp đỡ như thế.

Do chăm chỉ cộng tác nên tôi được tòa soạn tặng báo, nhiều lần được mời họp mặt CTV, giúp tôi bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thường xuyên.

Vì tờ báo của chúng ta

Là CTV, tôi thấy bổn phận phải góp phần nâng cao chất lượng của báo. Theo tôi, ngoài yếu tố nội dung (căn cốt) mà Báo Quân đội nhân dân đã “chốt” sự tin cậy trong lòng người đọc, thiết nghĩ, nếu các chuyên mục như hiện nay không thể thay đổi thì cần thường xuyên quan tâm đổi mới sự thể hiện, cải tiến cách viết để thu hút sự chú ý của độc giả.

Chiến sĩ trẻ-lực lượng đọc chủ yếu của báo nhà có lẽ không mấy mặn mà với những bài báo nặng về lý luận, na ná bài giảng chính trị ở nhà trường. Họ thích những bài viết về các vấn đề thực tiễn, thời sự, để biết những điều mới mẻ, thiết thực trong đời sống bộ đội và cộng đồng... đã, đang được giải quyết như thế nào, bài học đối với họ ra sao. Cách phản ánh, kiến giải cần có chi tiết thuyết phục; câu văn ngắn gọn, dí dỏm (tùy tính chất từng bài).

Lướt qua mặt báo, “lính ta” thường “bắt” ngay những mẩu nhỏ khoảng 500 chữ, những bức biếm họa... Ngoài các tin thời sự, gương tốt và các chuyên mục “đặc sản” như: Cùng bàn luận, Lăng kính văn hóa, Câu lạc bộ chiến sĩ, Đời thường tướng lĩnh, Ông cha ta đánh giặc, Ghi ở phòng tiếp dân... từ lâu, báo nhà cũng có các chuyên mục: Sinh hoạt tư tưởng, Tâm sự đảng viên, Câu chuyện kỷ luật, Thư về tòa soạn... Bộ đội rất thích những mục này. Người dân cũng thích. Báo cần duy trì các chuyên mục với những nội dung mới, những câu chuyện sống động và coi trọng bài ngắn, mẩu nhỏ nhưng không bỏ bài dài...

Là CTV của tờ báo chiến sĩ, tôi có những niềm vui mà làm việc khác không thể có được. Vui nhất là thấy bạn đọc yêu tờ báo này. Các đồng đội cũ, các cựu giáo chức thích đọc Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng vẫn gọi điện giao lưu. Gặp các chiến sĩ trẻ, nghe họ nói: “Cháu đã đọc bài của bác trên Báo Quân đội nhân dân, nhưng nay mới được biết bác. Cháu cứ nghĩ bác vẫn còn trẻ chưa lớn tuổi như thế cơ!”, tôi lại càng vui!

Xin tiếp tục được cộng tác với tờ báo thân yêu!

PHẠM XƯỞNG