Bài 1: Huyết mạch lên Điện Biên Phủ
Ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa Quốc lộ 37 và Quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, một “yết hầu” mà địch quyết liệt ngăn chặn hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt của hậu phương miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ. Máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong (TNXP) và nhân dân đã đổ xuống nơi “túi bom” này, viết lên khúc tráng ca bất diệt cho thắng lợi lịch sử “chấn động địa cầu”...
“Yết hầu” trên tuyến lửa
Hầu hết các nhân chứng lịch sử đã từng chiến đấu, công tác trên tuyến lửa Cò Nòi ngày ấy đến nay đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Thời gian có thể làm cho họ chân chậm, mắt mờ nhưng ký ức một thời hoa lửa vẫn còn in trong tâm trí. Ông Nguyễn Tiến Năng, nguyên Đội phó Đội TNXP 34, nguyên thư ký, trợ lý Thủ tướng Phạm Văn Đồng, năm nay đã 90 tuổi, đứng lặng người trước Tượng đài liệt sĩ TNXP Ngã ba Cò Nòi. Ông cho biết: Ngã ba Cò Nòi là nơi gặp nhau giữa Đường 13 (Quốc lộ 37 hiện nay) từ Việt Bắc sang và Đường 41 (Quốc lộ 6 hiện nay) từ đồng bằng Liên khu 3, Liên khu 4 lên, được coi là “yết hầu” của tuyến vận tải chi viện cho chiến dịch. Để lên đến Điện Biên, mọi lực lượng, vũ khí, lương thực, thực phẩm đều phải qua Ngã ba Cò Nòi.
Ngã ba Cò Nòi, nơi cách đây 63 năm là một "túi bom", "yết hầu" trên tuyến chi viện của hậu phương cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ trước ngày khởi công công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ TNXP Ngã ba Cò Nòi năm 2000 (ảnh tại Nhà trưng bày Khu Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi).
Ngã ba này có vị trí chiến lược quan trọng nằm ở thung lũng hẹp và sâu, cách trung tâm tỉnh Sơn La 45km về phía Nam. Để chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã tổ chức một mạng lưới vận tải phục vụ chiến dịch gồm 3 tuyến chính: Tuyến từ Việt Bắc xuống qua Ba Khe-Cò Nòi-Sơn La-Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ; tuyến từ Liên khu 4 xuất phát từ Nghệ An-Thanh Hóa-Suối Rút qua Mộc Châu-Cò Nòi-Sơn La-Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ và tuyến từ Liên khu 3-Nho Quan-Hòa Bình-Suối Rút qua Mộc Châu-Cò Nòi-Sơn La-Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ. Như vậy, cả 3 tuyến vận tải chính hướng lên Điện Biên Phủ đều phải qua Ngã ba Cò Nòi. Cò Nòi được chọn là điểm tập kết, trung chuyển lớn nhất cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Với tầm nhìn chiến lược, ngay từ khi mới bước vào cuộc kháng chiến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ tầm quan trọng của giao thông vận tải với chiến trường Tây Bắc. Từ đầu năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử phái đoàn Chính phủ đi nghiên cứu tình hình mọi mặt của Tây Bắc. Sau đó, Chính phủ quyết định cải tạo, mở rộng Đường 13 từ Yên Bái qua Nghĩa Lộ, nối với Quốc lộ 41 ở Ngã ba Cò Nòi để lên Sơn La, Điện Biên Phủ (lúc này thuộc tỉnh Lai Châu). Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở, đáp ứng nhu cầu vật chất lớn, nhất thiết ta phải mở đường cơ giới, đồng thời mở những tuyến đường cho các phương tiện vận chuyển thô sơ, phá thế độc đạo, chống lại các âm mưu thủ đoạn đánh phá của địch. Ngã ba Cò Nòi trở thành tâm điểm đấu trí giữa ta và địch trên tuyến chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.
“Túi bom” nơi cửa ngõ Tây Bắc
Nên nhớ, sở dĩ viên tướng Na-va, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương và chiến tướng thuộc quyền tự tin coi Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm” vì họ không tin Việt Minh có thể giải quyết được vấn đề chi viện cho chiến trường. Ông ta từng cho rằng: Các lực lượng của Tướng Giáp không thể nào được tiếp tế vũ khí, đạn dược và lương thực. Vận chuyển hàng vạn tấn hàng qua rừng rậm là việc làm kỳ dị, chúng ta làm chủ trên không và bắn phá các con đường giao thông của Việt Minh, họ không thể nào tránh được.
Để bảo vệ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Pháp cho rằng việc ngăn chặn, cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt của hậu phương miền Bắc là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp Ê-ly đã ghi lại trong cuốn sách của mình: “Từ tháng 1-1954, các cuộc oanh tạc đường giao thông dẫn đến Điện Biên Phủ ngày càng ác liệt, có trận dùng tới 39 máy bay ném bom B26, 5 máy bay 4 động cơ Privateer và 21 máy bay khu trục thuộc hải quân, ném hàng trăm tấn bom trên những đoạn đường bị nghi ngờ. Lần đầu tiên trong các trận oanh tạc, Mỹ đã cho Pháp sử dụng loại máy bay vận tải cỡ lớn packet c.119 (78 chỗ ngồi) để thả bom na-pan. Mỗi chiếc mang được 9 thùng chứa 90 bình na-pan”.
Theo đề xuất của tướng Cô-nhi - Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Đông Dương, tướng Na-va đã triển khai một kế hoạch phá tan con đường 41 ở một điểm, cắt đứt con đường đó trên một vùng có đường kính 1.200m, khiến cho bất cứ một đầu mối đường nào định đi vòng của đối phương để tránh chỗ đó đều có thể phát hiện được. Điểm mà Na-va và Cô-nhi lựa chọn chính là Ngã ba Cò Nòi.
Tại khu vực này, Pháp đã tập trung không quân đánh phá. Số lần đánh phá ngày một dày đặc hơn, quy mô ngày một lớn; giai đoạn ác liệt, cứ 13 phút địch lại ném bom bắn phá một lần. Có ngày chúng ném xuống đây 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom na-pan, bom bướm với trọng lượng 69 tấn thuốc nổ, gấp nhiều lần so với các trọng điểm khác (như đèo Lũng Lô 31 tấn, Tạ Khoa 13 tấn, Pha Đin 17 tấn...). Chỉ trong vòng 3 tuần đánh phá đầu tiên, bom đạn đã làm cho khu vực này không còn màu xanh, cây cối nát tươm, đất đá bị xới lên tơi tả. Trong tác phẩm “Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp”, nhà báo Juless Roy mô tả: “Bom tàn phá đến mức người ta đi bộ qua cũng khó và hàng đoàn xe tải bị tắc nhiều giờ. Cũng có khi công binh phải phá đá để mở một tuyến đường mới thay thế”.
Do bị địch đánh phá hết sức ác liệt, địa hình Ngã ba Cò Nòi thay đổi từng ngày. Đường cũ biến thành hố sâu. Hằng ngày, hàng ngàn, hàng vạn dân công, TNXP và bộ đội công binh phải liên tục san lấp hố bom, mở đường vòng tránh. Công việc đó diễn ra suốt cả khi chuẩn bị cũng như suốt thời gian chiến dịch. Chỉ trong tháng 1 và tháng 2-1954, các chiến sĩ công binh bám trụ tại trọng điểm này đã phải vẽ lại sơ đồ Ngã ba Cò Nòi tới 19 lần.
Không chỉ tập trung đánh phá Ngã ba Cò Nòi, không quân Pháp còn đánh rộng ra xung quanh nhằm phá hủy kho tàng vũ khí, lương thực, lán trại trú quân và sát hại bộ đội, dân công, lực lượng TNXP của ta làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu tại đây. “Những ngày ấy, trên bầu trời Ngã ba Cò Nòi hầu như không lúc nào vắng bóng những loại máy bay tối tân bậc nhất thời bấy giờ như Hen Cát, B26, B29... Ngã ba nhỏ hẹp, heo hút này biến thành nơi không lực Pháp thi thố đủ chủng loại bom tân kỳ. Nguy hiểm hơn, địch còn dùng thủ đoạn ném nhiều loại bom cùng lúc. Ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, tất cả những ai qua đây, nếu không nhanh, không cẩn trọng, không tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của TNXP thì rất dễ bị thương vong do bom đạn. Nhắc đến Ngã ba Cò Nòi, người ta còn phụ họa bằng những cái tên: “Túi bom”, “cửa tử”... Thượng tá Công an nhân dân Nguyễn Văn Ký, nguyên chiến sĩ TNXP Đại đội 294, Đội 40 thời điểm đó cho biết.
Theo nghiên cứu của Đại tá, TS Vũ Tang Bồng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, tuy sử dụng tối đa các loại bom để ngăn chặn nhưng Na-va vẫn chưa yên tâm, ông ta còn đề nghị Bộ Quốc phòng Pháp điều một sĩ quan hóa học sang Đông Dương nghiên cứu tạo mưa nhân tạo bằng chất i-ốt bạc hòng biến Cò Nòi thành bãi lầy khổng lồ để ngăn đường tiếp tế mọi mặt của Việt Minh. Đồng thời, “Mỹ còn viện trợ cho Pháp loại bom mới Hen-li-phơ-lít trong chứa hàng ngàn lưỡi câu thật sắc nhằm gây vết thương ở chân cho đối phương” (Pôn Ê-ly, "Đông Dương trong cơn lốc", Pa-ri, 1964, Thư viện Quân đội dịch, tr.115).
“Tới Ngã ba Cò Nòi có cảm giác như đã ở mặt trận... Các con đường tới đây đã biến đi dưới những hố bom. Kể cả những đồi núi chung quanh cùng chỉ còn là một màu đất đỏ. Dân công tiếp tục san đất, sửa đường cho xe qua. Công việc luôn luôn bị đứt quãng vì máy bay tới ném bom, thả pháo sáng. Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua…”. (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
|
Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG TIẾN