Vụ việc được các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tiến hành xác minh, làm rõ và kết luận. Báo Quân đội nhân dân trích đăng những nội dung kết luận chính về sự việc.
Lập đoàn công tác liên ngành xác minh, làm rõ
Gia đình quân nhân Hùng cho rằng đã phải chịu đựng tin đồn thất thiệt về con theo địch và có đơn, thư khiếu nại về việc giải quyết chế độ liệt sĩ gửi lãnh đạo các cấp và một số cơ quan báo chí.
Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ đạo thành lập Đoàn công tác liên ngành do Cục Bảo vệ an ninh Quân đội chủ trì, phối hợp với Cục Chính sách (TCCT) và Cục Chính trị Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh xác minh tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân chứng có liên quan. Trên cơ sở báo cáo kết quả xác minh của các cơ quan chức năng, TCCT đã có Công văn số 480/BC-CT ngày 28-3-2018, kết luận và làm rõ sự việc.
Vì sao có bằng Tổ quốc ghi công lưu tại địa phương?
Về việc vì sao có thông tin báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công lưu tại địa phương, báo cáo của cơ quan chức năng cho biết: Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có ý kiến tại Công văn số 3061/NCC-LTHS ngày 6-12-2017: Năm 1987, sau khi tiếp nhận hồ sơ xác nhận liệt sĩ do UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho quân nhân Nguyễn Văn Hùng, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ xem xét quyết định. Ngày 23-12-1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 317/CTKT về việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 121 liệt sĩ thuộc tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có quân nhân Nguyễn Văn Hùng, hy sinh ngày 20-7-1968; Bằng Tổ quốc ghi công số BT-082bm, hồ sơ liệt sĩ đã được Cục Người có công chuyển về Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh đợt 1, ngày 8-12-1999 (số hồ sơ: HI/LS 11593). Trước khi tiến hành trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân, thì nhận được thông tin trong hồ sơ, tài liệu mà ta thu được của địch sau ngày 30-4-1975 đang lưu giữ tại Công an tỉnh Hà Tĩnh và một số nhân chứng cùng nhập ngũ với Nguyễn Văn Hùng phản ánh Hùng đã đầu hàng, phản bội, nên việc trao Bằng Tổ quốc ghi công tạm dừng lại.
Không đủ điều kiện công nhận liệt sĩ
Theo hồ sơ lưu trữ tại các đơn vị quân đội và công an cho thấy, có nhiều tài liệu ta thu được của địch sau ngày 30-4-1975 chứng minh sự việc, như: “Cung từ hồi chánh viên” số 0474/SDD1/2/TV/K, “Phúc trình thẩm vấn sơ khởi”, “Phiếu sưu tra hồ sơ đặc biệt”, “Phiếu lý lịch nhập Trung tâm chiêu hồi Trung ương”, “Phiếu huấn luyện Khóa 33”, “Phiếu nguyện vọng của quy chánh viên” do các cơ quan trung tâm tiếp nhận hồi chánh, Phòng nhì/BTTM, Trung tâm chiêu hồi Trung ương, Trung tâm huấn luyện của Mỹ-ngụy lập từ ngày 20-3-1970 đến 2-10-1970.
Theo đó, quân nhân Nguyễn Văn Hùng khi đi chiến trường, thấy ác liệt, bộ đội thương vong nhiều, bản thân sợ gian khổ nên nảy sinh tư tưởng đào ngũ. Cuối tháng 6-1968, Hùng rời bỏ đơn vị K17/F325C, đào ngũ trở ra Bắc, trình diện với Đoàn An dưỡng 580, Quân khu Hữu Ngạn, man khai do thất lạc đơn vị nên trở ra Bắc. Khi bị Đoàn An dưỡng 580 phát hiện là quân nhân đào ngũ, Hùng trốn về nhà tại nguyên quán và bị chính quyền địa phương bắt đưa về Đoàn 2 Thu dung, Quân khu 4 ở Tân Kỳ, Nghệ An làm nhiệm vụ tăng gia, sản xuất. Ngày 7-2-1970, Hùng và 21 quân nhân được bổ sung vào a1, b2, c2, d10, e218 đóng tại Nông trường Lệ Ninh. Ngày 9-2-1970, Hùng bị sốt rét, đơn vị cho đi điều trị tại Bệnh xá e218, đến ngày 17-3-1970 được xuất viện nhưng Hùng không về đơn vị mà trốn vào Nam. Ngày 19-3-1970, Hùng vượt sông Bến Hải, sau đó tìm đến trình diện hồi chánh tại Chi khu Cam Lộ, Quảng Trị của ngụy. Ngày 31-3-1970, Hùng gia nhập Trung tâm chiêu hồi tỉnh Quảng Trị. Ngày 1-6-1970, Hùng gia nhập Trung tâm chiêu hồi Trung ương và tham gia khóa huấn luyện 33 của trung tâm này. Hùng đã khai báo với địch về lý lịch gia đình, bản thân; trang bị; nhiệm vụ, địa bàn hoạt động; phiên hiệu, hòm thư (31.102 RT); vị trí đặt pháo và một số cán bộ chỉ huy của đơn vị.
Tại Báo cáo số 04/BV, ngày 1-4-1970 của Phòng Bảo vệ/Cục Chính trị Mặt trận B5 báo cáo tình hình quân nhân bị địch bắt, mất tích, thất lạc trong ba tháng (từ tháng 1 đến tháng 3-1970), do đồng chí Phạm Kim Thanh, cán bộ Phòng Bảo vệ Mặt trận B5 ký, có tên Nguyễn Văn Hùng và xác định rõ Hùng đầu hàng, không phải bị địch bắt.
Tại Công an tỉnh Hà Tĩnh lưu trữ hồ sơ mà ta thu được của địch sau ngày 30-4-1975, trong đó có tài liệu phản ảnh về trường hợp Nguyễn Văn Hùng chiêu hồi. Công văn số 47/BV4, ngày 18-4-1971 của Phòng Bảo vệ Quân khu 4 gửi Ty Công an Hà Tĩnh, nội dung phản ảnh sự việc và “trao đổi cơ quan công an theo dõi, địch có thể tung Hùng trở lại”.
Đoàn công tác liên ngành của Bộ Quốc phòng đã xác minh, đối chiếu ảnh của Nguyễn Văn Hùng trong hồ sơ mà ta thu được của địch sau ngày 30-4-1975 với bức ảnh Nguyễn Văn Hùng hiện đang được thờ tại nhà mẹ đẻ và khẳng định là một người.
Từ các kết quả xác minh nêu trên, tại Công văn số 480/BC-CT ngày 28-3-2018, TCCT kết luận: Quân nhân Nguyễn Văn Hùng đã chiêu hồi, đầu hàng địch và không thuộc đối tượng, không đủ điều kiện để công nhận liệt sĩ và truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công.
TCCT báo cáo và được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý giao Cục Chính sách có văn bản đề nghị Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) báo cáo Bộ LĐ-TB&XH tiến hành các thủ tục thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công số BT-082bm và xóa tên liệt sĩ; giao Bộ tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo Cục Chính trị Quân khu 4 và Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh và thông báo cho chính quyền địa phương kết quả xác minh, kết luận về quân nhân Nguyễn Văn Hùng và xử lý các vấn đề liên quan.
QĐND