Học sinh lớp 12 Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bình Định - nguồn cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ, THCN năm 2006 (ảnh Tuoitre online)

Việc học với trẻ em thành phố bây giờ là một áp lực, còn với trẻ em dân tộc thiểu số lại là một khát khao lớn. Để có thể cắp sách tới trường, các em phải vượt qua bao khó khăn, với quyết tâm cao của bản thân và những ước mơ đi xa hơn thế hệ cha anh mình...

Gập ghềnh con đường đến trường

Cô học trò Pờ Nhù Xó, 18 tuổi nhưng mới học đến lớp 10. Trong lớp, Xó nhiều tuổi hơn các bạn, nhưng so với những người dân tộc La Hủ ở bản Khuổi Han, xã Bung Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu thì em lại là một trong số ít người biết chữ. Học trò trong bản Khuổi Han học đến THCS, THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ trước tới nay, duy nhất trong bản chỉ có một trường hợp học hết lớp 12 và được vào trường Dự bị đại học Sơn La. Ở bản Khuổi Han cũng có vài lớp học giữa rừng sâu, giáo viên là người Kinh, nhưng chỉ có đến lớp 3, lớp 4. Muốn cho con học tiếp, các gia đình phải gửi con lên huyện. Để thay đổi cuộc sống của mình trong tương lai, nhiều em nhỏ đã vận động gia đình cho đi học. Song hầu hết cũng chỉ học đến THCS là bỏ về nhà, với lý do gia cảnh khó khăn, cần nhiều lao động; các em gái thì lấy chồng sớm.

Trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất, lại bị dị tật thân thể (Xó cao chưa đầy 1m), nhưng Pờ Nhù Xó vẫn quyết tâm theo học. May mắn, em được tuyển vào trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên). Từ nhà đến trường, Xó phải đi mất 4 ngày đường (3 ngày đi ô tô và một ngày đi bộ). Lý giải cho sự quyết tâm theo học của mình, Pờ Nhù Xó tâm sự: "Quê em nghèo lắm, bố mẹ già rồi, em mong muốn làm nghề chữa bệnh cho bà con, chứ không phải lên rừng làm nương rẫy như cha mẹ và các anh chị em của mình". Ý thức rất rõ về công việc sau này của mình nên Xó rất chăm học. Cô học giỏi và tiếp thu nhanh. Xó nói tiếp: "Đôi lúc mải học quá, em không còn mặc cảm về thân thể mình…".

Lớp học 10A10 của Xó có 28 bạn, tất cả đều là người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Trước đây, trong lớp có hai bạn gái đã lập gia đình và có con nhỏ, nhưng cả hai đều phải trở về nhà để chăm chồng, nuôi con. Vào trường khi đã có bầu 5 tháng, nên chưa học hết kỳ 1, bạn Vàng Bé Ly (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) phải về quê sinh con. Không ai dám khẳng định sau đó Ly có thể theo học tiếp. Bởi như Vàng Go De, dù con đã 2 tuổi nhưng vẫn phải bỏ học sau một học kỳ xa nhà. Đây là lần thứ hai De buộc phải bỏ học. Chuyện của De buồn như đời người con gái trong xã hội cũ: bị ép lấy chồng khi vừa hết lớp 9, De nín lặng sống lầm lũi như "con rùa nuôi sau cánh cửa", nhưng khát vọng được đi học tiếp vẫn âm ỉ cháy trong em. Và cơ hội lại đến với De khi xã thực hiện chính sách cử người đi học để làm nguồn cán bộ cho địa phương. Chưa được tận hưởng hết niềm vui thì trong đợt nghỉ Tết Bính Tuất, De phải tự bỏ học, vì "đứa con đã lên 2 tuổi không chịu nhận mẹ". Sau Tết, De muốn xuống trường, nhưng nhìn đứa con khóc ngằn ngặt, em chẳng thể cất bước ra đi, đành bỏ dở sự nghiệp học hành...

Khát vọng giản dị được đến trường dường như là một điều quá sức với những em nhỏ người dân tộc thiểu số. Khi mà cuộc sống của các em còn quá khó khăn, khi mà cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, thì việc học vẫn chỉ được coi là thứ yếu. Em Lò Thị Soạn ở bản Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là út trong một gia đình có 9 người con, cho biết: "Tám anh chị của em đều không biết chữ và lần lượt lập gia đình khi mới 15-16 tuổi. Em là nhỏ nhất nên mẹ cho đi học. Lúc còn ở nhà, buổi sáng em đi học, chiều đi nương, lấy củi. Nhiều hôm mải làm quá, về nhà thì muộn, chúng em lại ngủ trên nương. Bố mẹ cũng không muốn cho em học nhiều, sợ em lười làm việc".

Khi ước mơ được chắp cánh

Còn rất nhiều em người dân tộc thiểu số chưa coi trọng cái chữ. Với các em, giúp bố mẹ kiếm ăn vẫn là nhiệm vụ quan trọng hơn cả. Cái vòng luẩn quẩn: đi học, bỏ học, lấy chồng (vợ), sinh con, lên nương, nghèo đói... và thất học vẫn cuốn lấy các em. Nhiều em không thắng nổi những quan niệm cũ và cách sống lạc hậu của dân tộc mình, nên đã có cái chữ rồi lại để nó trôi theo dòng suối.

Gặp những học trò trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên), ngôi trường dành riêng cho con em các dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc, mới thấy hết quyết tâm học tập của các em. Những nỗi nhớ nhà, những lo lắng về cuộc sống ở quê hương phần nào được khỏa lấp khi các em được sống trong vòng tay nhân ái của thầy cô, bạn bè. Niềm vui đã có, những khuôn mặt ngơ ngác hồi mới vào trường giờ đã ánh lên niềm tin và nhiều hy vọng. Mới ngày nào, Làn Thị Ngọc Nhí dân tộc Pà Thẻn (Hà Giang) còn khóc lóc đòi về nhà, nay đã thành cô gái chăm chỉ học tập. Được chuyên tâm học hành, được sinh hoạt, ăn uống đầy đủ và các thầy cô luôn quan tâm, động viên, Nhí cảm động lắm. Điều khiến em suy nghĩ nhiều nhất bây giờ là "phải học sao cho giỏi để bù đắp lại sự quan tâm đó và vì ngày mai".

Chỉ duy nhất bạn Sìn Thị Đào là có định hướng học tập tốt từ trước khi vào trường. Tấm gương ham học của chị Lò Thị Bua đã ngấm vào em từ nhỏ. Mẹ mất sớm, Bua đã dũng cảm vượt qua sự ngăn cản của bố để đến trường. Mặc dù không có quần áo, không có sách vở, nhưng nhờ sự cưu mang của dân bản, của cô giáo, Bua là người đầu tiên của bản Pá Bon, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu học đến lớp 12 và trở thành cán bộ huyện. Theo gương chị Bua, Đào cũng cố gắng học tập. Em là người dân tộc Mảng duy nhất học ở trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Đào cho biết: "Hầu hết chúng em đã ý thức được tầm quan trọng của việc học và cố gắng học giỏi để không phải khổ như bố mẹ, anh chị".

Nếu như trước đây hầu hết các em... chẳng dám ước mơ, chẳng dám khát khao một cuộc sống tốt đẹp cho tương lai, thì giờ đây mỗi người đã biết tự định hướng đường đi cho mình. Các em mơ ước nhiều cho mình, cho quê hương và quyết tâm thực hiện bằng được những ước mơ ấy. Tôi tin rằng các em sẽ làm được.

THANH THANH