Những năm qua, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) chết người, TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm vẫn gia tăng. Đặc biệt, tính chất nghiêm trọng, sự phức tạp trong giải quyết hậu quả các vụ việc đang trở thành mối lo của người dân. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn biểu hiện chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, mới đây Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2007/TTLT-BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC quy định những nội dung cụ thể trong phối hợp giải quyết các vụ TNLĐ chết người, TNLĐ có dấu hiệu tội phạm. Tháng 3-2007, Thông tư có hiệu lực thi hành.
Tai nạn lao động- SOS
Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH thì tình hình tai nạn năm 2006 ở nước ta vẫn tiếp tục gia tăng. Cả nước đã xảy ra 5.881 vụ tai nạn lao động, trong đó có 505 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 536 người thiệt mạng và 1.142 người bị thương nặng. Những địa phương để xảy ra nhiều tai nạn lao động là: Bình Dương 1.316 vụ (chiếm 22,38%); Đồng Nai 872 vụ (chiếm 14,83%); TP Hồ Chí Minh: 782 vụ (chiếm 13,3%); Quảng Ninh 253 vụ (chiếm 4,3%)… Những lĩnh vực sản xuất xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông chiếm 34,43%; khai thác than chiếm 12,7%; sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,02%; cơ khí chế tạo chiếm 7,8%... So với năm 2005, TNLĐ chết người tăng 35,52% về số vụ và tăng 38,6% số người bị chết. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục ATLĐ, thực tế số vụ TNLĐ ở nước ta còn lớn hơn nhiều. Trung bình mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 40.000 vụ tai nạn lao động, trong số đó có khoảng 15% gây chết người. Tần suất tai nạn lao động trung bình trong 5 năm gần đây vào khoảng 2%. So với các nước làm tốt công tác ATLĐ như: Xin-ga-po (0,78%), Hàn Quốc (0,74%), Anh (0,62%)… thì đó là một con số lý tưởng. Nhưng theo phân tích của Bộ LĐ-TB&XH thì con số đó chưa phản ánh đúng tình hình TNLĐ ở Việt Nam.
Theo phân tích của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người là do trách nhiệm của người sử dụng lao động, tình trạng vi phạm tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó không ít người lao động bất cẩn, vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động. Kết quả kiểm tra hằng năm của các cơ quan chức năng cho thấy, tình trạng vi phạm phổ biến dưới các dạng như: không trang bị đầy đủ trang, thiết bị bảo hộ lao động, người lao động không được huấn luyện các kiến thức cần thiết và phổ biến quy trình thực hiện an toàn lao động... Việc xử lý các sai phạm phần lớn mới chỉ dừng lại ở biện pháp nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Đây chính là lý do khiến tình trạng trên tái diễn kéo dài ở nhiều cơ sở sử dụng lao động. Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc cho người lao động, dư luận cho rằng biện pháp tăng cường kiểm tra, gắn với xử phạt thật nghiêm những doanh nghiệp, người lao động cố tình vi phạm là rất cần thiết.
Một vấn đề khác mà dư luận rất quan tâm là việc giải quyết các vụ tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn có dấu hiệu phạm tội. Đây là trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành nhưng chủ yếu là Ngành LĐ-TB&XH, Công an và Viện KSND. Bên cạnh những mặt làm được, ở nhiều nơi, trong một số vụ việc, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa cơ quan chức năng với cơ sở sử dụng lao động còn nhiều bất cập. Không ít cơ sở khi xảy ra tai nạn lao động đã không báo cáo, chỉ đến khi sự việc diễn biến phức tạp cơ quan chức năng mới biết. Theo thông tin từ Cục ATLĐ, việc thực hiện quy định báo cáo chỉ khoảng 10% số doanh nghiệp là có thực hiện. Khi cơ quan chức năng vào giải quyết, có nơi chủ doanh nghiệp tỏ thái độ “bất hợp tác” hoặc ngược lại tìm cách “kéo” cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho mình dẫn đến thiếu khách quan, minh bạch trong giải quyết vụ việc. Khi có vụ việc mất an toàn xảy ra, theo chức năng được giao từng cơ quan phải có trách nhiệm khẩn trương làm các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để cùng nhau giải quyết vụ việc một cách kịp thời. Nhưng thực tế không diễn ra theo mong đợi. Chẳng hạn, trong việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi… có vụ việc chưa đủ thành phần theo quy định của pháp luật nhưng vẫn tiến hành. Mặt khác, việc chuyển giao các thông tin tài liệu, đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ việc giữa các cơ quan cũng không kịp thời… Điều này lý giải vì sao có vụ việc kéo dài hàng năm vẫn không giải quyết dứt điểm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng doanh nghiệp, gia đình nạn nhân đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.
Khắc phục tình trạng “mạnh ai người nấy làm”
Một nội dung quan trọng của công tác ATLĐ, đặc biệt là trong tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy, nổ (từ 18 đến 24-3) năm nay là sự phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, giải quyết các vụ TNLĐ, phấn đấu 100% vụ việc xảy ra phải được xử lý kịp thời, đúng pháp luật. Để thực hiện mục tiêu ấy, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều biện pháp. Đặc biệt, ngày 12-1-2007, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC về việc phối hợp giữa đoàn điều tra TNLĐ với Cơ quan CSĐT và Viện KSND cùng cấp trong việc giải quyết các vụ TNLĐ chết người, TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm. Đây có thể xem là “cẩm nang” để các cơ quan thực hiện đúng chức năng.
Thông tư quy định rõ khi phát hiện hoặc nhận được tin báo có TNLĐ chết người, TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm, Đoàn điều tra TNLĐ và Cơ quan CSĐT có thẩm quyền phải đến ngay hiện trường để phối hợp giải quyết vụ TNLĐ. Đồng thời, Cơ quan CSĐT thông báo cho Viện KSND cùng cấp để kiểm soát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Trường hợp Đoàn điều tra TNLĐ hoặc Cơ quan CSĐT chưa đến nơi xảy ra TNLĐ, thì cơ quan đến trước có trách nhiệm thông báo cho cơ quan chưa đến (Cơ quan CSĐT thông báo cho đoàn điều tra TNLĐ thông qua Thanh tra lao động cấp tỉnh). Sau khi thông báo, nếu đoàn điều tra TNLĐ chưa đến kịp, Cơ quan CSĐT vẫn tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm thông báo cho đoàn điều tra TNLĐ những công việc thuộc phạm vi quan hệ phối hợp theo hướng dẫn tại Thông tư này mà Cơ quan CSĐT đã tiến hành. Khi Đoàn điều tra TNLĐ và Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành giao nhận tài liệu, đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ TNLĐ quy định phải lập biên bản theo mẫu biên bản ban hành kèm theo thông tư. Thông tư cũng quy định, đoàn điều tra có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan CSĐT trong việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vụ TNLĐ theo quy định của pháp luật. Theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT, Đoàn điều tra TNLĐ có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu chuyên môn về ATLĐ, vệ sinh lao động và các thông tin, tài liệu liên quan khác phục vụ việc điều tra, giải quyết vụ TNLĐ. Trong quá trình giải quyết vụ việc theo thẩm quyền, nếu phát hiện tình tiết mới có dấu hiệu tội phạm, đoàn điều tra TNLĐ gửi văn bản kiến nghị kèm theo các tài liệu, chuyển giao đồ vật, phương tiện liên quan cho Cơ quan CSĐT để xem xét, khởi tố vụ án hình sự.
Đối với trường hợp Cơ quan CSĐT ra quyết định không khởi tố vụ án, thì theo yêu cầu của đoàn điều tra TNLĐ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và Viện KSND cùng cấp đồng ý với quyết định đó, Cơ quan CSĐT có trách nhiệm cung cấp và chuyển giao cho đoàn điều tra TNLĐ bản sao các tài liệu, đồ vật, phương tiện sau: Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Biên bản khám nghiệm hiện trường; Sơ đồ hiện trường; Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân (nếu có); Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể; biên bản khám nghiệm tử thi (nếu có); Biên bản lấy lời khai của nạn nhân (nếu có), của người làm chứng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ TNLĐ; Kết quả trưng cầu giám định (nếu có); Đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ tai nạn lao động (nếu có) thuộc diện được phép chuyển giao theo quy định của pháp luật, kèm theo biên bản thu giữ, tạm giữ. Trường hợp Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Thông tư cũng chỉ rõ: Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu liên quan của đoàn điều tra TNLĐ, Cơ quan CSĐT có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết kiến nghị khởi tố cho đoàn điều tra TNLĐ.
Ngoài ra, Thông tư cũng làm rõ trách nhiệm của Viện KSND và sự phối hợp giải quyết của 3 cơ quan trong một số trường hợp cụ thể. Dư luận mong rằng với những nội dung phù hợp, chi tiết như vậy, những bất cập trong quan hệ phối hợp điều tra, xử lý các TNLĐ chết người, TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm sẽ được khắc phục triệt để.
Phùng Kim Lân