Đại diện Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) trao tiền ủng hộ xây dựng 10 căn nhà tình nghĩa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KHÁNH CHI 

Đại tá Trần Hữu Dũng, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 2: Còn nhiều vướng mắc

Những vướng mắc trong giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng là thương binh, liệt sĩ hiện nay trên địa bàn Quân khu 2 nổi lên chủ yếu liên quan đến hồ sơ, giấy tờ. Theo quy định, khi làm chế độ thương binh yêu cầu các trường hợp kê khai phải có xác nhận của đơn vị cũ. Thế nhưng, nhiều đơn vị cũ mà quân nhân từng nhập ngũ, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hiện nay đã giải thể, do đó không thể xin xác nhận. Chúng tôi đề xuất, những trường hợp này, nếu vết thương thực thể trên cơ thể còn hoặc trong cơ thể còn mảnh kim khí thì cơ quan chức năng có thể hướng dẫn cho họ kê khai làm thủ tục. Đồng thời, xác định mảnh kim khí ấy qua phim chụp XQ của cơ quan y tế theo quy định.

Trên cơ sở Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan chính sách của Quân khu 2 đã và đang tích cực tuyên truyền để các đối tượng còn sót lọt kê khai. Những trường hợp đi khỏi nơi cư trú thì thông qua người thân ở gia đình, chính quyền địa phương thông báo cho họ biết để kê khai. Đối với các trường hợp là liệt sĩ, hiện nay vướng nhất là số mất tin, mất tích. Vừa qua, Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) có văn bản đề nghị các đơn vị tổng hợp lại toàn bộ số mất tin, mất tích qua các thời kỳ chiến tranh để báo cáo, giải quyết... VŨ QUANG THÁI (ghi)

Ông Đào Ngọc Lợi, Phó cục trưởng Cục Người có công - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Hướng tới công bằng, không bỏ sót đối tượng

Đến nay, cả nước xác nhận được hơn 8,8 triệu người có công với cách mạng, trong đó có 1,47 triệu người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Vừa qua, cả nước đã hoàn thành cuộc tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau tổng rà soát, Bộ chỉ đạo các địa phương tích cực, khẩn trương rà soát những đối tượng còn tồn đọng để giải quyết chế độ.

Hằng năm, bộ đã dành nguồn kinh phí hơn 400 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương nâng cấp, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ. Bằng phương pháp thực chứng và giám định gen, đã xác định được hơn 3.000 danh tính liệt sĩ, báo tin về cho gia đình, phân tích và lưu trữ ADN hàng nghìn mẫu hài cốt liệt sĩ (HCLS) và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác xác định HCLS còn thiếu thông tin.

Những vấn đề tồn tại hiện nay là việc xác nhận người tham gia kháng chiến bị mất giấy tờ gốc, việc xác nhận người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Hiện nay, bộ đang rà soát, đánh giá tất cả các chính sách, chế độ về ưu đãi người có công với cách mạng để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với từng đối tượng. Trước mắt xây dựng quy trình giải quyết những hồ sơ tồn đọng, tiến hành làm thí điểm ở một, hai địa phương sau đó sẽ triển khai trên diện rộng. Hy vọng thời gian tới, chính sách ưu đãi người có công sẽ bảo đảm đúng tiêu chí, công bằng, không bỏ sót đối tượng. KIM DUNG (ghi)

Ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở LĐ, TB và XH tỉnh Đồng Nai: Chung tay tháo gỡ

Quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công đã phát sinh một số vướng mắc, hạn chế, như: Hệ thống văn bản hướng dẫn nhiều nhưng luôn thay đổi, thiếu tính thống nhất, thiếu chặt chẽ, việc thực thi cũng chưa thật đồng bộ.

 Một số chính sách, pháp luật hiện hành cũng còn nhiều nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Cần sớm có văn bản hướng dẫn xác nhận, thực hiện ưu đãi người hoạt động cách mạng; văn bản xác nhận thương binh, liệt sĩ trong điều kiện hoàn cảnh mới (đấu tranh chống tội phạm, dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng-an ninh, dũng cảm cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân, thương binh chết do vết thương tái phát…). Một số chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, chế độ trợ cấp…. cũng cần phải sửa đổi, bổ sung. Theo tôi, để tháo gỡ những vướng mắc, các địa phương cần tập trung tìm ra các nguyên nhân, điểm bất hợp lý để đề xuất hướng giải quyết kịp thời. ĐỨC TUẤN (ghi)