* Sư đoàn Phòng không 361 gặp mặt kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”

Dự hội thảo có các đại biểu đại diện lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Quân chủng Phòng không-Không quân, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng, cùng đông đảo các cựu chiến binh trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Hội thảo nhằm khắc sâu và làm rõ thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc, của quân đội nhân dân Việt Nam và Thủ đô Hà Nội. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tìm ra những bài học quý báu về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc nói chung và chống địch tập kích đường không nói riêng để xây dựng mỗi địa phương, đơn vị trở thành một khu vực phòng thủ vững chắc.

 Quang cảnh buổi hội thảo.

Tại buổi hội thảo, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội phát biểu: “Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã đánh dấu một mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng đường không lớn nhất của Đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào chiến thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Đó là thắng lợi của cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ngoan cường, bền bỉ và anh dũng, là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ của các lực lượng vũ trang nhân dân trong cả nước. Trong đó, nòng cốt là bộ đội Phòng không-Không quân và nổi bật là quân dân Thủ đô Hà Nội. Phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc, nêu cao tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chiến đấu mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường.

Không chỉ vậy, chiến thắng này còn là minh chứng sống động khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt và to lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các lực lượng vũ trang Trung ương, các đơn vị, địa phương, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô trong việc chủ động, tích cực chuẩn bị chống địch tập kích đường không. Đây là một kỳ tích tiêu biểu cho tầm cao trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam cũng như truyền thống và hào khí Thăng Long Hà Nội văn hiến, anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.

Tại buổi hội thảo, các đồng chí lãnh đạo, các vị tướng lĩnh, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học... đã phát biểu những ý kiến tham luận của mình về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, làm rõ hơn những kinh nghiệm trong tổ chức, xây dựng lực lượng, công tác Đảng, công tác chính trị, bảo đảm hậu cần thời chiến. Đồng thời, đề xuất những nội dung, giải pháp để xây dựng thế trận lòng, thế trận quốc phòng toàn dân của Thủ đô và đất nước vững mạnh, vận dụng hiệu quả vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước trong tình hình mới.  (Tin, ảnh: THÙY DUNG)

* Sáng 18-12, Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) tổ chức gặp mặt kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và cùng nhau ôn lại truyền thống oanh liệt của đơn vị trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Trong 12 ngày đêm, Sư đoàn Phòng không Hà Nội đã bắn rơi 29 máy bay, trong đó có 25 chiếc B52 (16 chiếc rơi tại chỗ), tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái… buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Trong 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, xuất hiện hàng nghìn tấm gương anh dũng, nhiều tập thể, cá nhân đã nêu cao tinh thần đoàn kết, dũng cảm, vượt lên hy sinh mất mát để hoàn thành nhiệm vụ được giao…

 Đại biểu tham quan một số hình ảnh hoạt động của đơn vị. 

Sau 45 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, thực hiện chủ trương xây dựng đơn vị theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Sư đoàn có 18 tập thể được nhận cờ thi đua và danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, 145 tập thể và gần 900 cá nhân được khen thưởng; Sư đoàn được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào TĐQT toàn quân” cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Tin, ảnh: THÚY AN- TUẤN NAM