Theo hướng dẫn này, đối tượng được hỗ trợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có thời gian làm việc trong môi trường lao động quân sự độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã kết hôn, chưa sinh con lần nào, bị hiếm muộn, vô sinh. Ưu tiên những đồng chí hiện đang làm nhiệm vụ tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; cả hai vợ chồng đang công tác trong quân đội, có thời gian kết hôn trên 5 năm; làm việc nhiều năm trong môi trường quân sự độc hại; đã chữa trị nhiều lần; trên 35 tuổi. Đối tượng phải được khám, sàng lọc hiếm muộn, vô sinh và điều trị hỗ trợ sinh sản tại các cơ sở y tế trong và ngoài quân đội được Bộ Y tế công nhận. Đối tượng có đủ hồ sơ điều trị, hóa đơn chứng từ hợp lệ để thanh quyết toán; trường hợp không giữ được hóa đơn, chứng từ thì phải có xác nhận của cơ sở điều trị về kinh phí đã chi trả.

Mức hỗ trợ khám và điều trị vô sinh, hiếm muộn cho người làm việc trong môi trường lao động quân sự độc hại được thực hiện theo chi phí thực tế (thực chi), nhưng không vượt quá tiêu chuẩn quy định của Nghị định số 76/2016/NĐ-CP là 50 triệu đồng/người/năm. Đối với các trường hợp hiếm muộn, vô sinh, nếu phải điều trị nhiều lần, trong nhiều năm, được hỗ trợ tối đa không quá 3 lần.

Tổng cục Hậu cầu yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các đơn vị quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) để tổng hợp báo cáo và giải quyết.

NGÔ THANH