Ngày 3-3, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Hội nghị có sự tham gia của đại biểu hơn 300 doanh nghiệp, đại diện cho hơn 76.000 doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thủ đô. Phần lớn các vướng mắc được giới doanh nghiệp nêu tại hội nghị liên quan tới các vấn đề: thị trường tiêu thụ, vốn vay, mặt bằng, giá điện, thuế,…

Muôn kiểu kêu khó

Theo các ý kiến, về cơ bản, chính quyền thành phố và các ban ngành hết sức ủng hộ doanh nghiệp trong việc giải quyết cơ chế, thủ tục, nhưng khi triển khai thực hiện ở cấp cơ sở vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, việc hướng dẫn văn bản pháp luật chưa rõ ràng, thông tin khó tiếp cận…

Bà Hà Thị Vinh – Phó chủ tịch Hội Gốm Sứ Hà Nội cho biết, hiện nay ở Bát Tràng chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Những hướng dẫn của ngân hàng còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn nhưng ngân hàng còn chần chừ với lý do: “Đợi rồi giải quyết một thể”. Phần lớn các hộ kinh doanh không chờ được, phải vay vốn bên ngoài chấp nhận chịu lãi cao để kịp cơ hội làm ăn.

Theo ông Vũ Thanh Sơn – Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), một số nước là thị trường lớn của Việt Nam phá giá đồng nội tệ đã ảnh hưởng mạnh tới các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta. Ông Sơn đặt câu hỏi, nên chăng cần tiếp tục điều chỉnh tỷ giá đồng tiền Việt Nam để kích thích xuất khẩu? Ông cũng đề nghị cần ưu tiên hơn nữa cho doanh nghiệp xuất khẩu, ví dụ cho hưởng mức hỗ trợ lãi suất 6% thay vì 4% như hiện nay. Ông Hoàng Trung Dũng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển phụ gia Hà Nội thì kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian cho vay vốn hỗ trợ, bởi theo ông đầu tư dự án cũng phải cần 2 – 3 năm mới có hiệu quả.

Các vấn đề thuế cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đại diện Hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu Long Biên kiến nghị, Nhà nước nên có cơ chế giãn nợ thuế xuất khẩu.

Mặt bằng sản xuất – kinh doanh, vấn đề tưởng chừng không quá “nóng” trong thời điểm hiện nay lại nhận được nhiều ý kiến bức xúc. Ông Nguyễn Bá Thưởng, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phương ấm ức cho biết, công ty đã hoạt động 20 năm trong lĩnh vực xuất khẩu, hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, đóng thuế đầy đủ, thế nhưng vẫn chưa có một mặt bằng ổn định để yên tâm sản xuất. Sau nhiều lần phải di chuyển địa điểm, đến nay công ty trụ tại bãi Song Phương ven sông Đáy, nhưng vẫn chưa được chính quyền cấp hợp đồng thuê đất, vì thế ngân hàng không cho vay vốn. Các doanh nghiệp đề nghị thành phố cân đối quỹ đất để tạo mặt bằng sản xuất, đi đôi với quan tâm tới vấn đề xử lý rác thải, môi trường…

Thông cảm với việc tăng giá điện là bất đắc dĩ, nhưng đại diện nhiều doanh nghiệp chưa đồng tình với các phương án cụ thể trong việc tính giá điện giờ cao điểm, thấp điểm. Theo tính toán của ông Bùi Quảng Yên, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc hãng sản xuất xe tải Vina Xuki thì việc rút ngắn thời gian tính giá điện giờ thấp điểm, tăng thời gian tính giá giờ cao điểm sẽ làm cho chi phí tiền điện của doanh nghiệp tăng 15% chứ không phải 8,92%.

Cùng gắng sức “đỡ” doanh nghiệp

Trả lời tại hội nghị, đồng chí Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Bộ và Chính phủ đang nghiên cứu triển khai phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, dưới hình thức thưởng cho người lao động tại các doanh nghiệp này. Dệt may và giày da là hai ngành có nhiều lao động nên có thể được xem xét hỗ trợ thêm, ví dụ như ngân hàng cho vay không tính lãi đối với việc mua bảo hiểm cho người lao động tại các doanh nghiệp thuộc diện này…

Về vấn đề giá điện, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho biết, chủ trương tăng giá điện của Chính phủ là “cực chẳng đã”, xuất phát từ yêu cầu phát triển của ngành điện để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đời sống. Với những trường hợp đặc biệt có thể gửi kiến nghị để các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Nếu doanh nghiệp bị cắt điện không báo trước, hoặc chất lượng điện lưới không đạt yêu cầu thì phải lập biên bản để có cơ sở giải quyết.

Đồng chí Bùi Xuân Khu cho rằng, để hỗ trợ tìm thị trường cho các doanh nghiệp thì ngoài chương trình xúc tiến thương mại của quốc gia, Hà Nội cũng cần có chương trình riêng. Trong năm nay, Bộ Công Thương sẽ có nhiều cải tiến trong khâu xúc tiến thương mại như: nếu tổ chức hội chợ tại Việt Nam thì đại diện doanh nghiệp, tổ chức thương mại nước ngoài đến tham dự hội chợ sẽ được hỗ trợ tiền khách sạn, tiền ăn và vé máy bay.

Về vấn đề đáp ứng nhu cầu vay vốn, hỗ trợ lãi suất, đồng chí Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, vì khoản tiền dành cho kích cầu của Chính phủ là có hạn nên chưa thể đáp ứng nhu cầu vay vốn theo lãi suất ưu đãi cho mọi đối tượng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng được hưởng vốn vay ưu đãi.

Về tỷ giá, đồng chí Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, thực tế so với cuối năm 2007 thì đến cuối năm 2008, giá trị đồng VNĐ đã giảm so với USD khoảng 9,5%. Ngân hàng Nhà nước chủ trương điều tiết giá trị VNĐ so với USD ở mức vừa phải để cân đối giữa nhập khẩu, xuất khẩu và các mục tiêu kinh tế khác. Đồng chí Tiến cho biết trong thời gian tới đây sẽ không xảy ra việc “phá giá” tiền Việt Nam để phục vụ xuất khẩu. Theo đồng chí thì tỷ giá chỉ là một trong nhiều yếu tố tác động tới xuất khẩu, bởi trước năm 2008 VNĐ chỉ “mất giá” 1-2%/năm nhưng xuất khẩu vẫn tăng trung bình 20%/năm.

Đại diện lãnh đạo Hà Nội, đồng chí Nguyễn Huy Tưởng, Phó chủ tịch UBND cho biết, thành phố đang chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai xây dựng đề án “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Thành phố giai đoạn 2009-2010” nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất- kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bài và ảnh: QUANG PHƯƠNG-ĐỨC TIẾN