LTS: Ngày 22-10-2013, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013 (gọi tắt là Thông tư 28), hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng theo Thông tư 28 là công việc khó, đòi hỏi phải tiến hành kiên trì, thận trọng, khách quan, chuẩn xác. Quân khu 3 là một trong các đơn vị triển khai thực hiện bài bản, có hiệu quả Thông tư 28, với quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng kiên trì giải quyết đúng chế độ chính sách cho người có công, qua đó rút ra nhiều kinh nghiệm mà các địa phương khác có thể tham khảo, vận dụng.
Bài 1: Trách nhiệm cao, bảo đảm đúng đối tượng, chế độ được hưởng
QĐND - Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2014 đến nay, cơ quan chức năng Quân khu 3 đã tiếp nhận hơn 1.200 hồ sơ, tiến hành xác minh, báo cáo Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị 800 hồ sơ; trong đó 182 trường hợp đã được công nhận thương binh và 17 trường hợp được công nhận liệt sĩ theo Thông tư 28. Đó là cố gắng lớn của các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương và cả hệ thống chính trị.
Làm trước, rút kinh nghiệm, nhân rộng
Nâng niu tấm bằng Tổ quốc ghi công, bà Nguyễn Thị Hậu (ở Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) rưng rưng xúc động, bởi sau gần 10 năm gia đình đề nghị và chờ đợi, đặc biệt là với tinh thần trách nhiệm, tận tình giải quyết của các cơ quan chức năng Quân khu 3 theo Thông tư 28, tháng 6-2015, con trai bà là Phan Thế Huấn, nguyên chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 328, Đặc khu Quảng Ninh đã được công nhận liệt sĩ - điều mà bà mong mỏi nhất khi về già.
Trao đổi với chúng tôi về việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công theo Thông tư 28, Đại tá Nguyễn Văn Quý, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3, cho biết: “Đồng chí Phan Thế Huấn là một trong các trường hợp không đủ giấy tờ theo quy định, được Quân khu 3 đề nghị công nhận là liệt sĩ theo Thông tư 28. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, toàn quân khu có hơn 3 triệu người nhập ngũ; hơn 60 vạn người tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến chi viện cho các chiến trường... Sau chiến tranh, trên địa bàn quân khu có hơn 25 vạn liệt sĩ, 15 vạn thương binh, bệnh binh; hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam... Không chỉ số đối tượng hưởng chế độ chính sách đông; một trong những “bài toán khó”, phức tạp đặt ra đối với quân khu cũng như các địa phương trên địa bàn là việc xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm không để người có công không còn giấy tờ bị thiệt thòi, không được hưởng chế độ chính sách”.
Cán bộ Phòng Chính sách Quân khu 3 thẩm định hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ cho đối tượng chính sách theo Thông tư 28.
Ngay sau khi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 28,Tổng cục Chính trị (TCCT) có Công văn số 33 hướng dẫn thực hiện, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Thông tư 28 đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân.
Theo Đại tá Phạm Quốc Cường, Trưởng phòng Chính sách Quân khu 3: Thông tư 28 khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng đối với những người đã cống hiến, hy sinh, có công với cách mạng, nhưng không còn giấy tờ chứng minh. Do vậy, khi triển khai làm thủ tục, hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh cho đối tượng này, chúng tôi xác định phải đề cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng, tỉ mỉ, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, không để xảy ra sai sót, hoặc bỏ sót lọt đối tượng”.
Để thực hiện tốt việc giải quyết chính sách theo Thông tư 28, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh Nam Định chọn một địa phương làm trước để Quân khu và Bộ rút kinh nghiệm. Theo đó, Bộ CHQS tỉnh Nam Định chọn huyện Nam Trực làm trước; khi triển khai mời đại diện cơ quan chức năng của 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn quân khu đến dự. Sau khi Bộ CHQS tỉnh tổ chức rút kinh nghiệm, các tỉnh, thành phố còn lại triển khai thực hiện ở đơn vị mình và cũng chọn một địa phương làm trước để rút kinh nghiệm, tiếp đó triển khai đồng loạt.
Vào cuộc đồng bộ, chặt chẽ, đúng quy trình
Cùng với việc chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh Nam Định làm trước để rút kinh nghiệm, các cơ quan Quân khu 3, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình cũng nhanh chóng vào cuộc. Bộ Tham mưu Quân khu chỉ đạo Phòng Quân lực và cơ quan quân lực các đơn vị, căn cứ vào hồ sơ, tài liệu, giấy tờ lưu trữ của đơn vị để cung cấp thông tin cho các đối tượng chính sách theo quy định của Thông tư 28, đồng thời xác minh làm rõ những trường hợp thuộc cơ quan quản lý đã bỏ ngũ, đào ngũ, vi phạm pháp luật... Cục Chính trị Quân khu trực tiếp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền; hướng dẫn, theo dõi triển khai thực hiện Thông tư 28, thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh ở các cấp theo đúng quy trình, quy định. Phòng Cán bộ và cơ quan cán bộ các cấp căn cứ hồ sơ, tài liệu và giấy tờ lưu trữ của đơn vị để cung cấp thông tin cho đối tượng chính sách theo quy định của thông tư; xác minh làm rõ những trường hợp thuộc cơ quan cán bộ quản lý đã bỏ ngũ, đào ngũ, vi phạm pháp luật. Phòng Bảo vệ an ninh phối hợp với cơ quan công an xác minh làm rõ những trường hợp quân nhân vi phạm không đủ điều kiện lập hồ sơ báo tử liệt sĩ và hồ sơ giải quyết chế độ thương tật.
Phòng chính sách Quân khu từng bước xét duyệt hồ sơ và đề nghị Cục Chính sách (TCCT) thẩm định theo quy định, phối hợp chặt chẽ với quân y, hội đồng giám định y khoa để thực hiện việc giám định theo đúng quy định; triển khai thực hiện quyết định đúng thời gian. Cục Hậu cần Quân khu trực tiếp chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ quân y các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra danh sách quân nhân bị thương, lập văn bản xác nhận thủ tục thương tật; chủ tịch hội đồng kiểm tra vết thương thực thể ở các cấp sư đoàn, bộ CHQS tỉnh và tương đương; báo cáo Hội đồng Giám định y khoa Quân khu thực hiện việc giám định thương tật đúng quy định. Hội đồng Giám định y khoa Quân khu chịu trách nhiệm khám, giám định thương tật các vết thương ghi trong giấy chứng nhận bị thương; kiểm tra tổng hợp kết quả chiếu, chụp các vết thương có mảnh kim khí, chấp hành nghiêm túc, chặt chẽ quy trình, quy định và công khai kết quả thực hiện, không để xảy ra sai sót, tiêu cực...
Với cách triển khai thực hiện chặt chẽ, bài bản như trên, từ năm 2014 đến nay, cơ quan chức năng Quân khu 3 đã tiếp nhận hơn 1.200 hồ sơ, tiến hành xác minh, báo cáo Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) 800 hồ sơ; trong đó 182 trường hợp đã được công nhận thương binh và 17 trường hợp được công nhận liệt sĩ theo Thông tư 28.
Bài và ảnh: TRỊNH DŨNG - DUY THÀNH
(còn nữa)