Hỗ trợ kịp thời
Cơn mưa vừa tạnh hạt, bên hiên nhà, ông Nguyễn Văn Út, ở ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) đang trò chuyện cùng một vài cô chú ở xóm. Trong câu chuyện cùng mọi người, ông không quên kể về chuyến nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng do địa phương tổ chức vào tháng 6 vừa qua.
“Mấy lần trước tôi được đi tham quan ở Đà Lạt, Nha Trang… lần này được đi Đà Nẵng. Những lần đi điều dưỡng tập trung vui nhất là gặp lại người cùng tham gia kháng chiến ngày xưa, ai nấy đều tay bắt mặt mừng, ôn lại kỷ niệm cũ mà rơi nước mắt”, ông Út bày tỏ.
Nhớ về những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ, ông Út kể, cũng như bao đồng đội khác, năm 1960 ông Út tham gia du kích địa phương. Đến năm 1970, ông bị quân địch bắt giam, trong suốt 3 năm bị giam giữ, ông Út không nhớ đã bao nhiêu lần mình bị tra tấn. Lúc thì chúng đánh, khi thì ghim điện vào người, thậm chí còn dùng kìm bẻ răng… Dẫu kẻ thù tra tấn dã man, nhưng ông Út vẫn một lòng với Đảng, với Bác Hồ, không khai bất cứ thông tin nào. Ông Út bộc bạch: “Ngày xưa giặc đến thì đánh, đâu có nghĩ đi làm cách mạng để hưởng chế độ này nọ đâu. Nay được Nhà nước chăm lo như thế này người có công rất phấn khởi”.
 |
Được hỗ trợ vốn, gia đình chính sách ở Hậu Giang phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. |
Cùng với tổ chức các chuyến điều dưỡng, tỉnh Hậu Giang còn tạo điều kiện tốt nhất để người dân được hưởng đầy đủ các chế độ, trợ cấp. Điển hình như gia đình bà Trần Thị Tốt ở khu vực Thạnh Hiếu, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, chồng bà là thương binh nặng, suy giảm sức khỏe 61%, còn bà trước đây từng bị địch bắt tù đày, chịu không ít những trận tra tấn ác liệt, nên giờ đây sức khỏe cũng giảm sút. Vì vậy, để thuận tiện trong việc nhận tiền chế độ hàng tháng, nhân viên bưu điện đã đến tận nhà để cấp phát.
Không riêng gia đình bà Tốt, 96 gia đình người có công với cách mạng nhận trợ cấp thường xuyên ở phường Bình Thạnh đều được chị Dương Diệu Hiền, nhân viên Bưu điện thị xã Long Mỹ đến tận nhà để cấp phát. Chị Hiền bộc bạch: “Để tránh tình trạng các cô, chú thương binh, người có công với cách mạng chờ đợi lâu, chúng tôi tổ chức chi trả từ ngày 6 đến ngày 9 hằng tháng. Tuy nhiên, khi nào nhận được tiền sớm thì chúng tôi đi cấp sớm. Với những người có công lớn tuổi, đi lại khó khăn, chúng tôi đến tận nhà để chi trả cho mọi người”.
Để người có công an cư, lạc nghiệp
Theo bà Hồ Thu Ánh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, tỉnh có tỷ lệ gia đình chính sách, người có công thuộc hộ nghèo đứng thứ 21 cả nước và đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để đối tượng chính sách, người có công an cư, lạc nghiệp và từng bước thoát nghèo bền vững, bà Ánh cho biết: “Thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó hiệu quả nhất là chính sách đối thoại với người có công để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Trên cơ sở đó, thành viên trong Ban Chỉ đạo giảm nghèo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, để có hướng hỗ trợ phù hợp như: Hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ nhà… Ngoài ra, tỉnh cũng xét phân công các tổ chức, đoàn thể giúp người có công thoát nghèo…”.
Là một trong những địa phương có hộ nghèo thuộc gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhiều nhất trên địa bàn tỉnh với 82 hộ, huyện Phụng Hiệp đã chủ động đề ra những giải pháp phù hợp để hỗ trợ, giúp đỡ. Cùng với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết, các ban, ngành, đoàn thể huyện, đặc biệt là Hội cựu chiến binh còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay vốn gần 1.600 đối tượng thương binh, bệnh binh với số tiền gần 20 tỷ đồng, kịp thời giúp họ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Như trường hợp của ông Hồ Văn Thắng, thương binh hạng 3/4 ấp Tân Long, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, từ số tiền vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông cải tạo ao nuôi 50kg cá trê giống. Nhờ cần cù, siêng năng, hơn 6 tháng chăm sóc lứa cá đầu tiên đã mang về cho ông lợi nhuận gần 20 triệu đồng. Từ đó, ông Thắng mạnh dạn mở rộng diện tích ao thả nuôi 100kg cá sặc rằn, đến nay nếu thuận lợi đợt cá này hứa hẹn sẽ mang về cho gia đình ông nguồn lợi nhuận đáng kể.
Ông Hồ Văn Thắng bộc bạch: “Cũng nhờ các cấp chính quyền địa phương giúp đỡ gia đình tôi mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Ban đầu thì hỗ trợ xây cất căn nhà, còn gần đây thì hỗ trợ cho tôi vay vốn đầu tư nuôi cá, nhờ vậy cuộc sống tới nay đã ổn định hơn”.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 6.000 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí trên 193 tỉ đồng. Thực hiện tốt công tác điều dưỡng phục hồi sức khoẻ đối với người có công và thân nhân liệt sĩ theo quy định.
Bài, ảnh: THÚY AN